Hiệu quả từ công tác vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, vừa qua, Công an tỉnh Đồng Nai đã mở cao điểm vận động người dân giao nộp và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng công an tỉnh Đồng Nai tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do người dân tự nguyện giao nộp.
Lực lượng công an tỉnh Đồng Nai tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do người dân tự nguyện giao nộp.

Tăng cường tuyên truyền, vận động

Để thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Đồng Nai, công an huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa đã phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Cùng với đó, lực lượng công an đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Tại huyện vùng sâu Cẩm Mỹ, một số người dân thường có thói quen sử dụng các vũ khí tự chế đi săn bắn. Điều này, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ. Thiếu tá Đoàn Văn Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Cẩm Mỹ cho biết: Thực hiện đợt cao điểm, lực lượng công an huyện và các xã, thị trấn đã đồng loạt ra quân triển khai công tác thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo.

Trong đó, qua công tác tuyên truyền, rất nhiều người dân đã đến giao nộp các loại vũ khí nguy hiểm như súng, đạn, công cụ hỗ trợ. Điển hình, Công an xã Bảo Bình vừa tiếp nhận một khẩu súng AR15 và 70 viên đạn của một người dân mang đến giao nộp. Khẩu súng mặc dù đã rỉ sét, nhưng các viên đạn còn sử dụng được. Số vũ khí trên được một người dân tại địa phương đi làm rẫy nhặt được, sau đó mang về để ở nhà. Đến khi được lực lượng công an tuyên truyền, người dân này đã tự nguyện mang đến điểm tiếp nhận của Công an xã Bảo Bình giao nộp.

Ngoài súng quân dụng, người dân trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ còn giao nộp các loại súng tự chế, đây là các loại vũ khí khá phổ biến ở một số vùng nông thôn: “Những vũ khí như súng tự chế rất nguy hiểm tới tính mạng của con người. Do vậy, khi nghe lực lượng công an đang mở điểm tiếp nhận, tôi đã lập tức mang đến giao nộp để tránh các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra”, anh Trần Minh Chương, người dân xã Xuân Tây cho biết.

Ông Nguyễn Văn Độ, ở Khu phố 4C, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, không chỉ tự giác mang dao đến nộp tại điểm tiếp nhận của Công an phường, mà còn tích cực vận động người thân, hàng xóm giao nộp và tuyệt đối không vận chuyển, mua bán, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trái phép.

Ông Độ cho rằng, phải tuyên truyền sâu rộng để mỗi người dân hiểu, chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Bởi lẽ, nhiều trường hợp còn chưa hiểu, dẫn đến vi phạm, do đó, việc lực lượng công an mở cao điểm, tổ chức các điểm tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ là rất cần thiết.

Đến từng ngõ, gõ từng nhà

Với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với công an các huyện, thành phố, công an cấp xã trong toàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau đến người dân trong thực hiện giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Song song đó, vận động người dân tích cực tố giác, phối hợp với lực lượng công an ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Ông Nguyễn Văn Sở, Trưởng Khu phố 1, thị trấn Trảng Bom cho rằng, việc mở cao điểm, đến từng địa bàn khu dân cư vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo là hết sức cần thiết, qua đó, góp phần nâng cao ý thức của mỗi người trong việc chấp hành pháp luật, không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

“Tại Khu phố 1, không phải chỉ đến khi cao điểm chúng tôi mới thực hiện mà thời gian qua, trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Cùng với đó, người dân cũng tham gia tố giác với lực lượng chức năng khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện mua bán, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Sở cho biết.

Theo kết quả thống kê, chỉ trong 15 ngày đầu thực hiện đợt cao điểm, toàn tỉnh Đồng Nai đã vận động, thu hồi hơn 2.200 loại vũ khí thô sơ, gần 140 súng tự chế; 11 khẩu súng hơi; ba khẩu súng quân dụng; hơn 270 súng công cụ hỗ trợ; hơn 2.000 viên đạn các loại; 14 quả bom, mìn, lựu đạn... Không chỉ dừng lại đợt cao điểm, thời gian tới, công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, gắn công tác này với phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở mỗi địa bàn khu dân cư.