Hiệu quả từ công tác đôn đốc, giám sát vụ việc, vụ án ở Vĩnh Phúc

Thời gian qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tập trung giám sát, đôn đốc công tác thanh tra các vụ việc tiêu cực, điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng của các cơ quan chức năng, bước đầu tạo sự chuyển biến.

Lãnh đạo phường Hội Hợp (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) và Hội Luật gia tỉnh bàn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng trật tự đô thị.
Lãnh đạo phường Hội Hợp (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) và Hội Luật gia tỉnh bàn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng trật tự đô thị.

Giám sát chặt chẽ các hoạt động thanh tra và tố tụng

Trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự và công tác tư pháp giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng kế hoạch tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong tình hình mới. Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ lãnh đạo các cấp thực hiện nghiêm quy định về đối thoại với nhân dân, kiểm tra việc phòng ngừa tham nhũng của các địa phương, tổ chức, đơn vị.

Qua công tác theo dõi, đôn đốc các vụ án tham nhũng, phức tạp, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phát hiện một vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nhưng không được kiến nghị khởi tố. Cụ thể, năm 2011, khi triển khai dự án đường ven hồ Bảo Sơn tại phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, đối tượng Nguyễn Văn Tâm đã tự ý lập hồ sơ giả, kê khai khống tài sản đứng tên ba hộ trên diện tích 539,9 m2 đất của bà Nguyễn Thị Hậu, giả mạo chữ ký các hộ và giấy ủy quyền của bà Hậu để nhận số tiền bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng. Tháng 4-2014, khi bà Hậu có đơn khiếu nại đến UBND thành phố Vĩnh Yên, vụ việc mới được phát hiện. Từ đó đến nay, qua nhiều cấp giải quyết, chỉ riêng hồ sơ Ban Nội chính tiếp nhận lên đến 80 loại văn bản, nhưng vụ việc này vẫn chưa được khởi tố. Đầu năm 2017, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã có văn bản kiến nghị Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo khởi tố vụ việc do thời gian điều tra quá dài.

Cùng thời gian này, Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị Đảng ủy Thanh tra tỉnh chỉ đạo thanh tra lại vụ việc về quản lý, sử dụng đất đai và tài chính tại xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương. Năm 2015, Thanh tra huyện Tam Dương phát hiện một số cán bộ xã Hướng Đạo vi phạm trình tự, thủ tục thu hồi, bồi thường đất, xét duyệt giao đất không đúng đối tượng cho 126 trường hợp, thu chi hơn một tỷ đồng không qua Kho bạc nhà nước trong giai đoạn 2003 - 2007. Đến nay, nhiều hộ dân đã nộp tiền nhưng không có quỹ đất để giao. Một số hộ dân khác chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đã bán biên lai thu tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ có xác nhận của chính quyền xã. Hoạt động nêu trên gây ra tình hình phức tạp tại địa phương. Thanh tra tỉnh đang chuẩn bị thanh tra lại vụ việc này nhằm xác định rõ trách nhiệm của cán bộ vi phạm, kể cả những cán bộ đã về hưu hay chuyển vị trí công tác khác.

Tránh xử lý hời hợt, mang tính hình thức

Có một thực tế, hiện tượng tham ô, tham nhũng có thể xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực, trong đấu thầu, thi tuyển công chức, viên chức, điều tra, truy tố, xét xử…, nhưng rất khó đưa ra bằng chứng. Nguyên nhân, theo Phó Chánh thanh tra tỉnh Phạm Hồng Thu, là do còn nhiều lĩnh vực chưa được công khai, minh bạch, cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa rõ và chưa phát huy hiệu quả.

Trao đổi về những vướng mắc trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, Đại tá Nguyễn Trần Hanh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất cho phép ngành công an áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đối với đảng viên khi chưa khởi tố vụ án, nên quy định rõ cấp nào được áp dụng biện pháp điều tra. Nếu cứ chờ kết quả thanh tra, kiểm tra, chờ tin báo tố giác tội phạm thì mất rất nhiều thời gian. Đồng chí dẫn chứng vụ án tham nhũng xảy ra tại phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên xảy ra từ năm 2006, nhưng 10 năm sau mới xử án. Tám bị cáo nguyên là cán bộ của TP Vĩnh Yên bị phạt tù. Nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Quyền bị tòa án tuyên phạt 5 năm 9 tháng tù. Năm qua, ngành thanh tra phát hiện vi phạm kinh tế hơn 37 tỷ đồng, các cơ quan chức năng đã khởi tố bốn vụ việc với 17 bị can tham nhũng, truy tố ba vụ, 11 bị can, xét xử bảy vụ với 23 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Mới đây, Công an tỉnh đã khởi tố vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, truy tố sáu bị can và khởi tố, tạm giam Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư đấu giá Thăng Long Đỗ Sỹ Long vì hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ, tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp và các đối tượng khác để trục lợi, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực là biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống. Trung ương yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoạt động PCTN mang nặng tính hình thức, chưa đem lại kết quả trên thực tế. Một số tổ chức đảng, cơ quan khối nội chính chống tham nhũng theo kiểu “thời tiết”, vẫn còn tình trạng bao che, làm qua quýt để tránh mang tiếng hoặc hưởng lợi bất chính. Nhiều vụ việc, vụ án xét xử chưa nghiêm minh, đúng pháp luật.

Thực tiễn công tác PCTN ở tỉnh Vĩnh Phúc và nhiều địa phương khác đặt ra những nội dung, yêu cầu mới. Đó là cần tạo lập cơ chế, chế tài đủ mạnh cho lực lượng chống tham nhũng, thực chất hóa vai trò tham gia, giám sát của người dân, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng. Cấp Trung ương và cấp tỉnh cần có cơ quan chuyên trách PCTN được cung cấp đầy đủ công cụ pháp lý, tài chính và nhân lực để có thể can thiệp, điều tra các vụ việc tham nhũng, giám sát có hiệu quả hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Bên cạnh đó, cần sớm loại bỏ các hoạt động PCTN mang tính phong trào, hình thức, hiệu quả kém.