Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu…
0:00 / 0:00
0:00
Một vườn chuyên canh cây mãng cầu (na) cho thu hoạch cao gấp nhiều lần so với trồng lúa ở Tây Ninh.
Một vườn chuyên canh cây mãng cầu (na) cho thu hoạch cao gấp nhiều lần so với trồng lúa ở Tây Ninh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh, trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có những diễn biến bất thường, hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, đặc biệt là cây lúa và các loại cây lương thực ngắn ngày khác.

Để chủ động ứng phó với những tác hại của thiên tai, việc thay đổi cơ cấu cây trồng, bố trí lại mùa vụ thích hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp cho người dân, qua đó từng bước giúp người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất của từng vùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với một số vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, thường xuyên gặp rủi ro, không chủ động nước tưới, năng suất thấp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Thống kê từ năm 2020 đến nay cho thấy, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 16.255 ha, gồm: Chuyển đổi từ đất trồng lúa khoảng 14.384 ha, trong đó có 10.604 ha từ lúa chuyển sang trồng cây hàng năm khác (bắp, rau các loại, mía, mì…) và 3.780 ha từ lúa chuyển đổi sang cây lâu năm (cây ăn quả, cây công nghiệp, tre, keo lá tràm,…); chuyển đổi từ cây mía sang các loại cây trồng như chuối, mì, lúa, mãng cầu, sầu riêng,… là 758 ha; chuyển đổi từ cây cao-su sang trồng chuối, sầu riêng, mít, mì,… khoảng 386 ha; chuyển đổi từ cây mì sang các loại cây trồng như chuối, mít, sầu riêng, cây có múi… khoảng 292 ha. Ngoài ra, còn có khoảng 435 ha cây trồng khác được chuyển đổi như: từ cây chuối chuyển sang trồng điều, mì; từ mãng cầu chuyển sang trồng mì, sầu riêng; từ mít chuyển sang trồng mì, chuối,…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận định, từ các diện tích chuyển đổi trên, đã từng bước hình thành các vùng trồng tập trung tại các huyện như: rau các loại (Châu Thành, Dương Minh Châu), cây ăn trái (Tân Biên, Tân Châu, Hòa Thành, Gò Dầu),... Người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, một số hộ có diện tích ít tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, góp phần tạo công việc ổn định, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.

Qua 3 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế giúp người nông dân biết cách khai thác nguồn tài nguyên đất một cách hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đồng thời sử dụng cơ giới hóa nhằm giảm công lao động trong nông nghiệp, việc ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến như: tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt làm giảm lượng nước và tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới khi vào vụ.

Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận bình quân 1 ha sản xuất lúa trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,5 triệu đồng/ha/vụ, so với 1 ha cây trồng khác được chuyển đổi như sau: rau thực phẩm các loại ước đạt 67 triệu đồng/ha (gấp 4,6 lần so với 1 vụ lúa); cây mì đạt 34,8 triệu đồng/ha (gấp 1,2 lần so với sản xuất lúa 2 vụ); cây mãng cầu đạt 187 triệu đồng/ha (gấp 6,4 lần so với 2 vụ lúa); sản xuất chuối đạt 318 triệu đồng/ha (gấp 10,9 lần so với 2 vụ lúa); lợi nhuận bình quân của cây sầu riêng đạt khoảng 426 triệu đồng/ha (gấp 14,7 lần so với lợi nhuận bình quân của 1 ha sản xuất lúa 2 vụ).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân cho biết, qua thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên chính đất của mình. Đây cũng là chủ trương nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực để khai thác những tiềm năng, lợi thế về đất đai và lao động của địa phương.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa còn nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sử dụng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất, nước, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân trong quá trình sản xuất.

Song song đó, bà con nông dân cũng cần chú trọng lựa chọn giống cây trồng mới, có triển vọng và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết của địa phương; từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất để giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường, tham gia chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ bảo đảm hiệu quả sản xuất.