Hiệu quả từ cân kiểm tra tải trọng xe tự động

NDO -

Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngày 2-4, cho biết, sau sáu tháng (bắt đầu từ ngày 15-8-2020) thí điểm lắp đặt cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên quốc lộ 5 (QL 5) chiều Hải Phòng – Hà Nội, số lượt xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn 49,3 lần so với bảy tháng đầu năm 2020.

Vi phạm xe quá tải trên quốc lộ 5 giảm mạnh sau khi lắp đặt cân kiểm tra tải trọng xe tự động. (Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam)
Vi phạm xe quá tải trên quốc lộ 5 giảm mạnh sau khi lắp đặt cân kiểm tra tải trọng xe tự động. (Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam)

Vi phạm xe quá tải trên quốc lộ 5 giảm mạnh

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau sáu tháng (184 ngày) hoạt động thí điểm bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại Km78+830/QL 5, tổng số xe tải cân kiểm tra là 466.782 lượt xe, có 663 lượt xe (bằng 0,14%) vi phạm tải trọng đường bộ, mức xử phạt theo quy định, số xe vi phạm theo ngày bình quân 3,7 lượt xe/ngày.

Tính đến ngày 22-3-2021, đã có 63 trường hợp đến chấp hành việc lập biên bản vi phạm hành chính và chấp hành quyết định xử phạt, số tiền xử phạt: hơn 1,079 tỷ đồng, tước 25 giấy phép lái xe.

So sánh số liệu cân kiểm tra tải trọng xe sáu tháng hoạt động thí điểm với số liệu trong bảy tháng đầu năm 2020: Số lượt xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn 49,3 lần (từ 6,9% của bảy tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,14%); Số lượt xe vi phạm theo ngày đã giảm bình quân 48,9 lần, từ 176 lượt xe/ngày xuống còn 3,6 lượt xe/ngày.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc đưa hai bộ cân kiểm tra tải trọng xe tại Km78+830/QL 5 vào hoạt động thí điểm đã mang lại hiệu quả rất cao trong công tác kiểm soát xe quá tải trên QL 5, từ mức vi phạm khoảng hơn 6,9% xuống còn 0,14% (giảm 49,3 lần), số xe vi phạm theo ngày bình quân 176 lượt xe/ngày xuống còn 3,6 lượt xe/ngày; mức độ vi phạm không cao, chủ yếu từ hơn 10% đến 30%.

Qua thời gian cân tự động thí điểm, lần đầu tiên phát hiện và xử lý, ngăn chặn được các xe có trục phụ có cơ cấu nâng hạ trục, thực tế khi chở hàng lưu hành trên đường không sử dụng trục phụ (nâng trục phụ lên) nên bị vượt quá tổng trọng lượng của xe theo quy định tại Điều 17 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT ngày 7-9-2015. Từ tháng thứ hai trở đi gần như không còn hành vi vi phạm này.

Về hành vi vi phạm, từ tháng thứ hai trở đi (từ ngày 15-9), hành vi vi phạm chủ yếu là vượt quá tải trọng trục, mức từ 20% đến dưới 30%, còn một số ít xe vi phạm về khối lượng toàn bộ, chủ yếu là xe các địa phương khác đi qua.

Về ý thức chấp hành của các chủ phương tiện, hầu hết các chủ phương tiện nhận được thông báo vi phạm sau khi được lực lượng chức năng cung cấp các bằng chứng vi phạm đều chấp thuận về kết quả vi phạm và chấp hành quyết định xử phạt.

Kiến nghị mở rộng thí điểm cho một số dự án trọng điểm

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc đưa hai bộ cân kiểm tra tải trọng xe Km78, QL 5 vào hoạt động thí điểm đã đạt hiệu quả rất cao, chứng minh hiệu quả của công nghệ cân kiểm tra tải trọng xe tốc độ cao của Nhật (Công nghệ Load Sell – Wim), kết hợp với phần mềm kiểm tra tải trọng xe tự động của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Hai bộ cân kiểm tra tải trọng xe lắp đặt tại Km78+830/QL 5 hoạt động hoàn toàn tự động, đây cũng là bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động đầu tiên của Việt Nam, đem lại những ưu điểm, hiệu quả tích cực.

Cụ thể, về kiểm soát tải trọng xe, kiểm soát, giám sát được 100% số lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân.

Hiệu quả về kinh tế, chi phí cho việc vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt không tốn kém, do lực lượng thực hiện tại các đơn vị phối hợp hoạt động kiêm nhiệm và do số lượt vi phạm ngày càng ít (chỉ ở mức dưới 0,2%).

So sánh với Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định Dầu Giây và Quảng Ninh: Giảm từ khoảng 70 người, bao gồm nhân viên quản lý, vận hành, bảo vệ, lực lượng chức năng có thẩm quyền dừng xe, lập biên bản vi phạm hành chính … xuống còn từ ba đến năm người chỉ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ; giảm khoảng 10 lần chi phí hoạt động hằng năm (từ khoảng năm tỷ đồng/năm xuống còn khoảng dưới một tỷ đồng/năm); không cần nhân viên vận hành và lực lượng chức năng có thẩm quyền làm việc trực tiếp tại hiện trường (vị trí đặt thiết bị cân) nên không thể tiếp xúc trực tiếp, gặp gỡ đối tượng vi phạm, do đó loại bỏ hoàn toàn tiêu cực.

Hiệu quả về xã hội, với hiệu ứng tuyên truyền từ những lái xe, chủ xe vi phạm bị phát hiện, xử phạt, tình trạng xe quá tải nhanh chóng được ngăn chặn, chấm dứt, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội nói chung và việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng. 

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 1-2021 đến nay, các phương tiện bị cấm hoặc hạn chế đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương vì vậy số xe tải lưu thông trên QL 5 và đi qua bộ cân kiểm tra tải trọng xe tại Km78/QL 5 rất thấp. Thời gian thí điểm xử phạt đã kết thúc (ngày 14-2-2021). Hiện tại, bốn bộ cân kiểm tra tải trọng xe lắp đặt tại Km78/QL 5 vẫn chưa hoàn thành thủ tục xác lập tài sản (Bộ Tài chính chưa có văn bản chấp thuận chuyển sang sở hữu toàn dân về tài sản).

Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện thí điểm kiểm soát xe quá tải kể từ ngày 1-4-2021, thời điểm kết thúc giai đoạn thí điểm và tổng kết đánh giá, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ căn cứ tình hình thực tế báo cáo và đề xuất Bộ Giao thông vận tải.

Về việc xác lập sở hữu toàn dân về tài sản viện trợ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ Vụ Tài chính (Bộ Giao thông vận tải) và Bộ Tài chính để hoàn thành việc xác lập tài sản

Trên cơ sở mô hình thiết kế, công nghệ, cách thức vận hành các bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động và hình thức xử phạt “gián tiếp” được tổng kết, rút kinh nghiệm từ hai bộ cân kiểm tra tải trọng xe lắp đặt tại Km78+830/QL.5 do Jica tài trợ; Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng và trình Bộ Giao thông vận tải ban hành “Mô hình thiết kế xây dựng, lắp đặt và vận hành bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tốc độ cao, một cấp cân” để làm cơ sở pháp lý áp dụng thí điểm cho một số dự án trọng điểm.

Trong đó, bao gồm: Dự án lắp đặt cân kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn TP Hà Nội trong đó có cầu Thăng Long và đường Vành đai 3; Dự án lắp đặt cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ; Dự án lắp đặt cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên QL 1 đoạn tránh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và một số dự án khác,...