Hiệu quả trong việc chuyển học sinh điểm trường lẻ về trường chính ở Hà Giang

Năm 2016, tỉnh Hà Giang bắt đầu thực hiện việc chuyển học sinh tiểu học từ điểm trường lẻ về trường chính. Sau hai năm triển khai việc chuyển học sinh về trường chính góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm áp lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh vùng cao.

Học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chuyển về trường chính được chăm sóc và điều kiện học tập tốt hơn.
Học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chuyển về trường chính được chăm sóc và điều kiện học tập tốt hơn.

Tại tỉnh Hà Giang, cấp tiểu học có số lượng học sinh đông nhất, được phân bổ ở tất cả các thôn thuộc 195 xã, phường, thị trấn. Do điều kiện địa hình phức tạp, dân cư sống phân tán cho nên hầu hết trường tiểu học vùng cao thành lập điểm trường lẻ ở những thôn xa trung tâm. Số điểm trường lẻ nhiều, nguồn vốn đầu tư hạn chế cho nên thiếu cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy và học. Do đó, học sinh ở điểm trường lẻ có phần thiệt thòi hơn khi không được học cả ngày, ít được tham gia hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, có nơi tổ chức lớp học ghép. Đội ngũ giáo viên điểm trường lẻ cũng ít được giao lưu, trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học tại các điểm trường lẻ vùng cao.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, chuẩn bị các điều kiện để học theo chương trình, sách giáo khoa mới, từ năm 2016, tỉnh Hà Giang thực hiện việc chuyển học sinh tại các điểm trường lẻ về trường chính và sáp nhập các điểm trường lẻ ở những nơi phù hợp. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, quan điểm triển khai của tỉnh là làm đến đâu, chắc đến đó, nơi nào thuận lợi làm trước, khó khăn làm sau. Những nơi bảo đảm được chỗ ăn, chỗ ở và điều kiện sinh hoạt cho học sinh thì mới chuyển học sinh từ trường lẻ về trường chính. Tùy theo điều kiện của địa phương để xem xét độ tuổi học sinh chuyển về trường chính cho phù hợp.

Từ quan điểm chỉ đạo của tỉnh, việc chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về trường chính đã được các địa phương thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự thống nhất cao từ phụ huynh tới cấp ủy, chính quyền và các cơ sở giáo dục. Tại huyện Đồng Văn, 19 trong số 20 trường thực hiện chuyển học sinh tiểu học từ các điểm trường lẻ về trường chính và sáp nhập điểm trường. Trước khi thực hiện, chính quyền xã phối hợp với cơ sở giáo dục xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với những học sinh cần chuyển, xã huy động các tổ chức chính trị, xã hội đến từng gia đình học sinh để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc làm này. Qua đó, nhân dân đã cho con em mình về trường chính học, đồng thời tình nguyện góp công, góp sức tu sửa cơ sở vật chất, chỗ ăn, chỗ ở và điều kiện sinh hoạt cho học sinh tại các điểm trường chính.

Năm học 2017 - 2018, huyện Đồng Văn có gần 140 lớp với khoảng 1.500 học sinh điểm trường lẻ chuyển về trường chính. Bà Mua Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Đồng Văn cho biết: “Qua hai năm học thực hiện, các trường đã giảm số lớp ở điểm trường lẻ, tăng số lượng học sinh tại trường chính, thuận tiện cho việc sắp xếp giáo viên trong điều kiện nguồn biên chế hạn hẹp. Chất lượng học tập của học sinh khi về trường chính được nâng lên, các em có điều kiện học tập, sinh hoạt trong điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Khi về trường chính, học sinh được ăn ở tập trung, rèn luyện kỹ năng sống, tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ, nói thành thạo tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin hơn”.

Em Sùng Mí Phình, nhà ở thôn Mỏ Pải Phìn, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn về trường chính học năm 2016 (lớp 3). Sau hơn hai năm học bán trú ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Là, từ một cậu bé gầy gò, nhút nhát, đến nay em khỏe mạnh, tự tin hơn rất nhiều. Sùng Mí Phình cho biết: “Học ở trường chính thích hơn vì ở đây có phòng lưu trú ấm áp, được ăn cơm no ngày ba bữa, giao lưu sinh hoạt tập trung, được đọc sách trong thư viện nên rất vui. Thích nhất là tuần nào em cũng được nghe, được xem các nghệ nhân dân gian ở xã giới thiệu, giảng dạy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông quê em”.

Còn ông Sùng Pà Cơ, bố của Sùng Mí Phình cho biết: “Bố mẹ nghèo, lại đi làm nương cả ngày cho nên khi cháu học ở điểm trường thôn, một buổi đến trường, một buổi về nhà chẳng có ai chăm sóc. Ngày mới về trường chính học, tôi thương cháu vì tuổi còn nhỏ đã xa gia đình, nhưng sau vài tháng thấy cháu lớn, khỏe mạnh, tự tin, nói năng lưu loát, gia đình tôi vui lắm”.

Sau hai năm thực hiện việc chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về trường chính, tỉnh Hà Giang đã tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả hơn trong những năm tới. Năm học 2017 - 2018, tỉnh Hà Giang có 226 trường có lớp tiểu học. Tỉnh đã thực hiện chuyển toàn bộ học sinh từ điểm lẻ về học trường chính ở 34 điểm với 848 học sinh; chuyển một phần học sinh về trường chính ở 735 điểm với gần 10 nghìn học sinh; sáp nhập và giảm được hai điểm trường lẻ. Theo đánh giá của tỉnh Hà Giang, cái được lớn nhất của việc chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về trường chính là nâng cao được chất lượng giáo dục tiểu học, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp tiếng phổ thông.

Ông Trịnh Đình Huynh, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học và dân tộc, Sở GD và ĐT tỉnh Hà Giang cho biết, chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về trường chính đã giúp kết quả học tập của học sinh tiểu học ở vùng cao được nâng lên, giảm hẳn tình trạng học sinh bỏ học và không còn tình trạng học sinh đi học muộn vì nhà xa. Năm học 2016 - 2017, hầu hết học sinh chuyển từ điểm lẻ về học trường chính đều đi học chuyên cần, tỷ lệ bỏ học giảm xuống còn 0,16%. Không những thế, các trường còn giảm tỷ lệ giáo viên ở các điểm lẻ, giảm chi phí tiền lương cho giáo viên dạy lớp ghép; giảm áp lực xây dựng đầu tư mới, sửa chữa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các điểm trường.

Tuy nhiên, việc chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về trường chính vẫn còn một số khó khăn, như: cơ sở vật chất chỉ đáp ứng tối thiểu nhu cầu học tập và sinh hoạt, hầu hết các trường vùng cao đều thiếu các công trình như nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà ăn, nước sinh hoạt, phòng lưu trú; diện tích nhiều trường nhỏ hẹp, không có quỹ đất để mở rộng các công trình phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh. Những vấn đề khó khăn này đã được tỉnh Hà Giang quan tâm, giải quyết thông qua việc lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Trong những năm qua, tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học. Tuy nhiên nhu cầu đầu tư vẫn còn lớn, cần sự quan tâm của Trung ương và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong những năm tới.