Hiệu quả nhân văn từ các chính sách tín dụng

Năm 2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào nền kinh tế 3,95 triệu tỷ đồng (tăng 11,34% so với năm 2023). Ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên phát triển bền vững, đồng thời bảo đảm công tác an sinh xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV)
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV)

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Các cơ chế, chính sách nói chung và chính sách tín dụng nói riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay mang đậm tính nhân văn.

Đơn cử như gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội hay cho vay tiêu dùng… đã hỗ trợ cho người lao động, người thu nhập thấp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, các gói tín dụng ưu đãi và cơ chế cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ… đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất.

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024, ngân hàng đã giải ngân cho hơn 200 nghìn khách hàng vay vốn nhằm mục đích hỗ trợ việc làm, xoá đói, giảm nghèo với tổng số tiền 11,8 nghìn tỷ đồng (tăng 14,3% so với năm 2023).

Chương trình tín dụng này đã tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có vốn để sản xuất, kinh doanh, có việc làm, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố hỗ trợ cho 274 hộ gia đình vay 97,8 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội; giải ngân cho doanh nghiệp vay 170,14 tỷ đồng để xây nhà ở cho công nhân thuê.

Đáng chú ý, năm 2024, ngành ngân hàng thành phố còn triển khai hiệu quả chính sách kết hợp phát triển tài chính vi mô (cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp khoản vay nhỏ) với hoạt động tín dụng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân vay tiêu dùng phục vụ sinh hoạt và đời sống.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng: “Hoạt động này hiệu quả là giải pháp căn bản góp phần phòng chống tín dụng đen, đồng thời việc mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng, kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển, là giải pháp tăng trưởng kinh tế đã và đang được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện”.

Kết thúc năm 2024, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 1,07 triệu tỷ đồng (gồm cả cho vay mua nhà để ở), chiếm 28,3% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố. Nổi bật nhất trong hoạt động ngành ngân hàng năm 2024 có thể kể đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong đó, các giải pháp về giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ và sử dụng các gói tín dụng ưu đãi cho nhóm ngành, lĩnh vực cần phát triển, được vận dụng hiệu quả trong từng thời kỳ hoặc trong điều kiện phát sinh khó khăn đột xuất (do thiên tai dịch bệnh, do khủng hoảng kinh tế...) đã kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn vượt qua, duy trì, ổn định và tăng trưởng.

Đặc biệt, trong năm 2024, các ngân hàng đã giải ngân gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đạt: 691 nghìn tỷ đồng, cho hơn 198,16 nghìn lượt khách hàng (tăng 9% so với năm 2023); cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 43,84 nghìn doanh nghiệp, với tổng dư nợ đạt hơn 33,42 nghìn tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã thực hiện tốt chương trình tín dụng cho vay năm nhóm ngành: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với lãi suất cho vay ưu đãi ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 4%/năm…

Đánh giá về kết quả thực hiện chính sách tín dụng nhân văn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tất cả những cơ chế, chính sách trên, cùng với việc sử dụng các gói tín dụng ưu đãi và đáp ứng tốt nhất dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhất là trong điều kiện khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, ý nghĩa nhân văn của chính sách mang lại càng to lớn hơn, là bài học kinh nghiệm quý báu trong ban hành và sử dụng chính sách làm nguồn lực hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng...