Hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa

Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; đồng thời giúp một số đơn vị, địa phương vượt khó, các cấp ủy ở Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ. Chủ trương này đi vào thực tế đã góp phần tạo điều kiện cho cán bộ có môi trường rèn luyện, gắn bó với thực tiễn, phát triển toàn diện. Các đơn vị, địa phương nơi cán bộ đến công tác đã ghi nhận nhiều lĩnh vực khởi sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Bảo hiểm xã hội tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế toàn dân đến người dân miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Nhân viên Bảo hiểm xã hội tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế toàn dân đến người dân miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Tăng cường cán bộ về địa bàn khó khăn

Tiếp giáp thị trấn Cành Nàng, nhưng xã Ái Thượng, huyện Bá Thước đã “lỡ nhịp” đạt chuẩn nông thôn mới bởi thu nhập bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo tăng theo tiêu chí mới. Từ Ban Tổ chức Huyện ủy được luân chuyển giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ái Thượng, đồng chí Võ Thị Lý cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở tìm cách khơi thông nguồn lực phát triển.

Các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân được tổ chức, gắn lý thuyết với thực hành, xây dựng, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Người nông dân được đào tạo đã từng bước chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng giá trị nông sản hàng hóa, xây dựng sản phẩm OCOP. Ái Thượng được tạo đà phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện các tiêu chí về môi trường, an toàn thực phẩm... nhằm đạt chuẩn nông thôn mới.

Mới đây, đồng chí Võ Thị Lý được điều động trở lại huyện, giữ chức vụ Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.

Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bá Thước Nguyễn Thanh Bình, việc điều động, luân chuyển cán bộ gắn với bố trí đảm nhiệm các chức danh chủ chốt không là người địa phương, vừa khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, vừa khơi thêm tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi tập thể, cá nhân, phát huy năng lực, trình độ cán bộ trong thực tiễn. Với 21 xã, thị trấn, huyện Bá Thước đã bố trí 19 bí thư đảng ủy, 4 phó bí thư thường trực đảng ủy, 17 chủ tịch ủy ban nhân dân xã không là người địa phương; hoạt động lãnh đạo, điều hành chuyển biến tích cực, nhiều cá nhân trưởng thành trong thực tiễn.

Tại xã vùng cao Yên Thắng, huyện Lang Chánh, nhiều cán bộ, công chức, viên chức không là người địa phương đang đảm nhiệm các vị trí công tác tại xã. Tốt nghiệp Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường, Hà Văn Hiểm làm nhân viên đo đạc, vừa theo học liên thông, tốt nghiệp đại học, năm 2015 được tuyển dụng công chức địa chính xã Yên Khương.

Sau đó, Hiểm được chuyển về xã Yên Thắng công tác. Với năng lực chuyên môn, anh bắt nhịp nhanh với công việc, địa bàn công tác mới, nơi có diện tích tự nhiên 10.000 ha, nhiều thôn ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn. Chính điều kiện đó đã rèn tác phong làm việc, anh dành nhiều thời gian nắm bắt tình hình địa bàn, đời sống dân sinh, kinh tế.

Cùng công tác ở xã Yên Thắng có các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Trưởng công an xã, cán bộ tư pháp, kế toán không là người địa phương. Là cán bộ nhiều năm lăn lộn với cơ sở, tham gia lãnh đạo, chỉ đạo thành công nhiều kế hoạch phát triển kinh tế ở xã Yên Khương, giữa năm 2022, đồng chí Lê Hữu Tuân được luân chuyển, giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng.

Tại đây, cùng Đảng ủy xã, đồng chí đã quan tâm công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể, động viên nhân dân tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ tiêu kinh tế-xã hội, khôi phục, gìn giữ văn hóa truyền thống. Xã Yên Thắng đã thành lập câu lạc bộ dân gian tập hợp các nghệ nhân trao truyền các làn điệu khặp, kỹ năng sử dụng bộ gõ, các nhạc cụ dân tộc, tái hiện trò diễn dân gian, khôi phục lễ hội Trá Mùn; tập trung xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất, hướng dẫn người dân bản Peo tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng gắn với khai thác hệ sinh thái ruộng bậc thang ở làng Ngàm Pốc...

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lang Chánh Lữ Đức Chung trao đổi, một số cán bộ trẻ đã qua đào tạo cơ bản có nguyện vọng về xã biên giới, vùng sâu, vùng xa công tác. Trên cơ sở đánh giá đội ngũ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đưa ra tập thể thảo luận, thống nhất một cách khoa học, công tâm triển khai điều động, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ.

Lang Chánh đã thực hiện nhiều đợt điều động, luân chuyển cho nên 34 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý đã được đào tạo, bồi dưỡng qua thực tiễn. Đây là cơ hội cho cán bộ, công chức nắm rõ tình hình, thực tiễn các địa phương, tiếp tục rèn luyện, trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm; tập hợp trí tuệ tập thể, phát huy vai trò lãnh đạo, điều hành, có nhiều việc làm, sản phẩm cụ thể, góp phần thúc đẩy hiệu quả các phong trào thi đua ở địa phương, đồng thời tạo nguồn bổ sung, trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Liên thông trong đội ngũ cán bộ, công chức

Khảo sát, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong và giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương là nhiệm vụ thường xuyên ở Thanh Hóa. Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác được công khai tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; phương thức chuyển đổi vị trí công tác cũng đa dạng hơn.

Ngoài chuyển đổi vị trí công tác trong bộ phận, phòng, ban, cơ quan, trong ngành, lĩnh vực, từ đơn vị này sang đơn vị khác, một số cơ quan, đơn vị thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo lĩnh vực, địa bàn phân công phụ trách. Hai năm qua, toàn tỉnh Thanh Hóa chuyển đổi vị trí công tác 1.790 trường hợp; trong đó luân chuyển 376 cán bộ, công chức, viên chức quản lý, chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.414 công chức, viên chức không giữ chức vụ quản lý. Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác góp phần phòng chống tham nhũng, giảm sức ỳ, tâm lý cục bộ, thân tộc.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Trần Quốc Huy nhấn mạnh, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu, tiếp tục quán triệt thực hành liêm chính, giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, viên chức nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả.

Nhiệm kỳ này, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện khâu đột phá về điều động, luân chuyển cán bộ. Từ năm 2020 đến nay, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở ở Thanh Hóa đã điều động, luân chuyển 1.621 lượt cán bộ. Việc điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy định và liên thông trong công tác cán bộ.

Theo đó có thêm 76 cán bộ từ cơ quan cấp tỉnh được luân chuyển về cấp huyện, giữ các vị trí chủ chốt; 58 đồng chí từ các huyện được điều động để bố trí giữ chức trưởng, phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh. 41 cán bộ lãnh đạo, quản lý được điều động, luân chuyển từ huyện này sang huyện khác; 130 đồng chí từ cấp huyện về xã và 107 đồng chí từ xã về huyện.

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa Phạm Mai Anh, điều động, luân chuyển cán bộ là việc làm thường xuyên, nhận được sự quan tâm, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cán bộ trong quy hoạch được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa lựa chọn, cân nhắc kỹ, luân chuyển để rèn luyện, thử thách trong thực tiễn.

Theo đánh giá của tập thể lãnh đạo, phần lớn cán bộ luân chuyển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn. Nhiều đồng chí có đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, được cán bộ, đảng viên, nhân dân tín nhiệm, bổ sung vào cấp ủy, ban thường vụ, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ cao hơn tại địa phương, các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Liên thông trong đội ngũ cán bộ góp phần đổi mới sâu sắc, toàn diện công tác cán bộ từ tỉnh đến cơ sở ở Thanh Hóa. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên chia sẻ, phải giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện công tác cán bộ. Các cấp ủy, lãnh đạo ngành từ tỉnh đến cơ sở phải quán triệt sâu sắc chủ trương, quy định, kế hoạch điều động, luân chuyển, thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng trong tập thể cấp ủy, lãnh đạo, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, gắn kết với các khâu: quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ.

Chọn đúng người, bố trí đúng việc, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, sát với tình hình, điều kiện thực tế vừa tạo động lực cho cán bộ rèn luyện, phát triển, vừa góp phần tạo khí thế mới cho đơn vị, địa phương ■