Hiệu quả áp dụng khoa học-kỹ thuật vào trồng cam

Những năm gần đây, việc áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào trồng cam tại tỉnh Hòa Bình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Nhiều hộ gia đình đã và đang chuyển hoàn toàn sang phương thức sản xuất mới theo đề án tái canh cây có múi của tỉnh. Nhờ đó, chất lượng cam ngày càng cao và giá trị sản phẩm được gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân huyện Cao Phong thu hoạch cam.
Người dân huyện Cao Phong thu hoạch cam.

Tổ chức lại sản xuất

Việc áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới có vai trò quan trọng trong việc mở rộng diện tích cây cam của tỉnh Hòa Bình, bước đầu từ giống đến quy trình chăm sóc trong sản xuất. Cùng với đó, hàng loạt những kỹ thuật canh tác mới đã được nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến trong sản xuất như: Kỹ thuật tưới nước tiết kiệm; kỹ thuật xử lý ra hoa đậu quả với những giống khó tính; kỹ thuật bao quả, che màn; kỹ thuật sử dụng phân bón lá... đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam của tỉnh.

Trước năm 2008, bộ giống của tỉnh rất nghèo nàn, chỉ có 2-3 giống cam nhưng thường bị chín tập trung, giống nhiều hạt, tỷ lệ xơ cao, thì hiện nay đã có chín giống cam, quýt chất lượng cao được thu hoạch rải vụ từ cuối tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau.

Tại vườn cam xã Tân Phong, huyện Cao Phong, chị Nguyễn Thị Minh Huệ đang thu hoạch cam cho biết: Trước đây tôi trồng giống cũ, không hiệu quả cho nên đã phá hết và trồng lại toàn bộ bằng giống mới lấy ở Công ty TNHH MTV Cao Phong, trồng và canh tác theo đúng quy trình canh tác mới.

Năm nay mới chỉ thu tạm, hiệu quả cho hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn một vườn bên xã Hợp Phong có 1,5ha trồng toàn bộ theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, đến nay cho thu hoạch hơn 700 triệu đồng, ước tính lãi khoảng hơn 400 triệu đồng.

Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) 3T Farm Cao Phong Vũ Thị Lệ Thủy ở thị trấn Cao Phong cho biết, HTX có tổng diện tích 40ha trồng cam, nhưng hiện nay đang phải tái canh một nửa để cải tạo đất chuẩn bị chu kỳ mới. 3T Farm Cao Phong trồng theo mô hình hữu cơ, chuyên cung cấp cam sạch cho các hệ thống cửa hàng, siêu thị hoa quả sạch...

Với quy trình chăm sóc cam từ công đoạn sử dụng các loại thảo mộc như: Gừng, tỏi, ớt, men rượu... để chăm bón cho cây cam. Vì vậy, sản phẩm của 3T Farm Cao Phong thường có giá thành cao hơn trồng theo quy trình tiêu chuẩn thông thường, nhưng luôn được thị trường đón nhận.

Phát triển ổn định và bền vững

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, hiện diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh là 9.687 ha, trong đó riêng cây cam 4,8 nghìn ha, sản lượng đạt 85 nghìn tấn, cho thu nhập bình quân 350 đến 400 triệu đồng/ha. Những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho cây cam, quýt; xúc tiến thương mại để tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, tỉnh tập trung mời gọi sự tham gia của các sàn thương mại điện tử; hình thức bán hàng online cũng đã được phổ cập; thành lập tổ công tác về tiêu thụ nông sản… giúp cho chuỗi tiêu thụ sản phẩm cam không bị đứt gãy. Thời điểm hiện nay, dù đã vào chính vụ nhưng giá bán sản phẩm cam của Hòa Bình vẫn được duy trì giá tốt, cao hơn cùng năm trước từ 20 đến 30%.

Để phát triển bền vững cây ăn quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã quyết định phê duyệt "Đề án tái canh cây ăn quả có múi 2021-2025, định hướng đến 2030". Đề án nêu rõ: Tái canh không chỉ là trồng lại mà là tổ chức lại sản xuất cây cam một cách hiệu quả và bền vững; khép kín thành một chuỗi từ vùng trồng, cơ cấu giống và tiêu chuẩn chất lượng giống, kỹ thuật canh tác, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tái canh khoảng 1.500ha (chủ yếu là cây cam Cao Phong), tiếp tục thực hiện khoảng 4.500ha đến năm 2030.

Chi Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Hồng Yến cho rằng: Hiện tổng diện tích cây cam trồng ở Hòa Bình không vượt quy hoạch, nhưng việc khó nhất trong quản lý chất lượng cây giống hiện nay là các hộ dân tự chiết ghép, bán cho nhau từ ngay trong các nhà vườn.

Trước đây cây cam không phải là cây trồng chính cho nên chỉ khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng cây giống, việc quản lý cũng có phần thiếu chế tài hoặc chế tài chưa đủ mạnh. Còn hiện nay, cam và bưởi nằm trong danh mục cây trồng chính do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, vì thế việc sản xuất, kinh doanh cây giống bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, khâu sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm quả có múi vẫn là điểm yếu, không chỉ đối với tỉnh Hòa Bình mà cho tất cả các vùng trồng cam của nước ta. Do vậy, cần có cơ chế đủ mạnh để hỗ trợ, khuyến khích người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất cây có múi áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới để gia tăng giá trị sản phẩm, giảm thiểu tình trạng dư thừa, ứ đọng sản phẩm khi vào chính vụ thu hoạch.