Mặc dù Cục An toàn thực phẩm đã có thông báo đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục rằng: Về xuất xứ và hồ sơ pháp lý của ba loại sữa dê thuộc nhóm thực phẩm bổ sung nói trên, theo đó, các sản phẩm này đều đầy đủ hồ sơ pháp lý của Pháp và theo quy định Việt Nam, đồng thời từng lô hàng khi nhập khẩu về Việt Nam đều được kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thú y và hoàn thành thủ tục thông quan hợp lệ, hợp pháp. Chẳng lẽ tất cả các cơ quan này đều không đáng để tin tưởng?
Về chất lượng dinh dưỡng, một số bài viết có nhầm lẫn tai hại khi áp đặt Quy chuẩn Việt Nam số QCVN 5-2:2010/BYT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột) cho các sản phẩm sữa dê nói trên, dẫn đến việc cho rằng chúng không đạt hàm lượng đạm 34% quy định cho sữa bột, trong khi thực tế các sản phẩm tương tự cần tuân theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc các Quy chuẩn Việt Nam cho thức ăn công thức dành cho trẻ nhỏ, có số QCVN 11-2:2012/BYT và QCVN 11-3:2012/BYT, với quy định khác về hàm lượng đạm. Có ý kiến còn cho rằng, hàm lượng đạm của sữa công thức chỉ ngang với sắn, mỳ. Việc so sánh một cách cơ học này khiến các sản phẩm chế biến từ sữa thuộc nhóm thức ăn công thức của các hãng trong và ngoài nước đều bị vạ lây. Ðối tượng áp dụng của quy chuẩn này chỉ bao gồm bốn loại: sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật. Theo quy chuẩn này, tại Ðiều 1 đã quy định: "Quy chuẩn này không áp dụng đối với các sản phẩm sữa theo công thức dành cho trẻ đến 36 tháng tuổi, sữa theo công thức với mục đích y tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và thực phẩm chức năng (bao gồm cả nhóm thực phẩm bổ sung, theo Luật An toàn thực phẩm)". Cả bốn loại sản phẩm sữa dạng bột này đều phải được hiểu chính xác là "đạt hàm lượng đạm sữa trong chất khô không béo của sữa,% khối lượng, không nhỏ hơn 34". Vì vậy, trong thực tế, hàm lượng đạm hơn một kg thành phẩm của cả bốn loại này, bao gồm cả nước và chất béo, sẽ không bao giờ đạt 34%?
Người tiêu dùng cần biết
Khi chọn lựa các sản phẩm sữa, người tiêu dùng và các bà mẹ nên chọn sản phẩm phù hợp với độ tuổi sinh lý và thể trạng gầy, béo và khả năng hấp thụ. Nếu tính theo dạng sữa lỏng, hàm lượng đạm trong sữa mẹ khoảng 1,3 g/100ml, sữa bò cao gần gấp ba lần (3,4 g/100ml). Vì vậy, các loại thức ăn công thức đều có hàm lượng đạm gần giống với sữa mẹ, chứ không cao như sữa bò. Chế độ ăn quá nhiều đạm có thể làm tăng tiết một số hormone, nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan béo phì, tăng độ tải thận... Trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên dùng sữa bột nguyên kem (nguyên chất béo động vật) cũng như rất cẩn thận khi dùng sữa bột gầy (đã tách béo) dù hàm lượng đạm vẫn đạt 34% theo quy chuẩn. Ðối với trẻ đã ăn dặm dưới một tuổi (ăn thêm ngoài sữa mẹ) việc dùng các sản phẩm sữa nguyên kem cũng không thích hợp vì ruột còn non yếu chưa tiêu hóa tốt chất béo bão hòa có nhiều trong sữa động vật. Ðó là lý do tại sao các sản phẩm thức ăn công thức cho các độ tuổi đều có nguyên liệu chính là sữa gầy đã bổ sung chất béo thực vật. Cũng nên biết khi bị ô-xy hóa, cùng 1 gam glucid (đường) hoặc protid (đạm) cung cấp cho cơ thể 4 kcal, trong khi cũng chừng đó chất béo (lipid) sinh 9 kcal. Thể trạng gầy hay béo sẽ tùy chọn sản phẩm giàu chất béo hay không. Ðạm thịt động vật cũng là thứ tiêu chậm hơn đường và dầu thực vật. Muốn béo nhanh dùng những thứ giàu các chất này, còn muốn giữ dáng thon mảnh thì hạn chế chúng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Những người có cơ địa mẫn cảm với sữa động vật hoặc không hấp thụ được đường sữa lactosa thì nên dùng các sản phẩm thay thế sữa có sẵn trên thị trường, được chế biến từ thành phần chính là đạm đậu nành hoặc đạm whey!
Hãy nên nhớ: "Cái gì thái quá cũng sinh biến"! Cái gì đúng, đủ thì tốt. Ðối với các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, người tiêu dùng nên tham khảo kỹ, hiểu đúng các nội dung ghi nhãn về thành phần dinh dưỡng, cũng như cách sử dụng chúng một cách hợp lý. Chọn lựa đúng sản phẩm chất lượng, không nghe theo những lời bàn luận thiếu căn cứ, cảm tính, cơ học. Ðó chính là người tiêu dùng thông minh.
Một số khác biệt về quy chuẩn đạm của các sản phẩm dưới đây:
1. Sữa bột nguyên kem (nguyên chất sấy khô từ sữa tươi động vật cho sữa như bò, dê,...): hàm lượng đạm tối thiểu 34% (theo khối lượng đã tách chất béo). 26 g sữa bột nguyên chất cung cấp 100 kcal, như vậy sữa bột nguyên kem có hàm lượng đạm là khoảng 8,84 g/100 kcal.
2. Thức ăn công thức cho trẻ sơ sinh (0-12 tháng tuổi): hàm lượng đạm từ 1,8-3,0 g/100 kcal; và quy định cụ thể về hàm lượng vitamin, khoáng chất, cũng như nhiều dưỡng chất thiết yếu khác.
3. Thức ăn công thức cho trẻ em 6-36 tháng tuổi với mục đích ăn bổ sung: hàm lượng đạm tối thiểu 3,0 g/100 kcal; và quy định cụ thể về hàm lượng vitamin, khoáng chất, cũng như nhiều dưỡng chất thiết yếu khác.
Bác sĩ NGUYỄN VĂN DŨNG
Phòng Quản lý sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)