Hiến đất mở rộng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông

Thanh Hóa đang tích cực vận động nhân dân hiến đất, huy động các nguồn lực nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông, các công trình công cộng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Triệu Sơn trao thưởng cho các tập thể có thành tích trong vận động nhân dân hiến đất, làm đường giao thông.
Huyện Triệu Sơn trao thưởng cho các tập thể có thành tích trong vận động nhân dân hiến đất, làm đường giao thông.

Đảng viên nêu gương

Ở Hàm Hạ, phường Rừng Thông của thành phố Thanh Hóa - nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay, nhiều gia đình đảng viên tiên phong hiến đất nên hàng trăm hộ ở Hàm Hạ từng tình nguyện hiến gần 5 ha đất để mở rộng lòng đường lên 8,5m, thảm nhựa hơn 4 km đường trục chính, mở rộng các ngõ xóm tới 3,5 m. Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, gia đình bà Lê Thị Lâm thuộc tổ tự quản số 12 đã tình nguyện hiến hơn 40m2 đất thổ cư và gần 30 hộ dân tự nguyện đóng góp, hỗ trợ bà Lâm xây lùi tường rào.

Do vậy, có thêm gần 90m đường được mở rộng tới 8,5m, phát huy hiệu quả giao thông kết nối tới Di tích cách mạng Hàm Hạ. Tổ trưởng Tổ dân phố Hàm Hạ Phạm Văn Sinh cho biết: Nhiệm kỳ này, Chi bộ cùng ban công tác Mặt trận, các chi đoàn, chi hội, tổ tự quản tiếp tục vận động nhân dân hiến đất, hiến công trình để mở rộng, nâng cấp gần 1 km đường giao thông, kè bờ sông trước đình Hàm Hạ, tạo điều kiện cho nhà thầu nâng cấp gần 2 km đường, mở rộng, thảm nhựa thêm 400m đường trục chính.

Tại phường Rừng Thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư đồng bộ, 100% đường phố thảm nhựa hoặc bê-tông, tuyến đường chính có hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng. Năm 2024, cán bộ, nhân dân tập trung xây dựng đô thị văn minh, tám tiêu chí kiểu mẫu, gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ dân phố văn hóa, kiểu mẫu.

Bí thư phường Rừng Thông Lê Văn Tuấn ghi nhận: Phong trào hiến đất làm đường đạt chuẩn đường đô thị, nhân rộng các mô hình tự quản tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng đô thị kiểu mẫu. Rừng Thông đã hoàn thành các tiêu chí kiểu mẫu, góp phần cùng huyện Đông Sơn đạt danh hiệu kiểu mẫu trước khi sáp nhập vào thành phố Thanh Hóa.

Trở lại xã Quảng Hợp, điểm khởi đầu phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở huyện Quảng Xương, giai đoạn này, đảng viên Đặng Công Huệ ở xóm Hưng hiến hơn 70m2 đất để làm đường giao thông. Sở hữu vườn kè rộng hơn 200m2, quán triệt chủ trương của cấp ủy, ông cùng gia đình hiến đất cho làng thi công giao thông kết nối, kiến thiết vườn kè thành điểm sinh hoạt cộng đồng.

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2013, thôn Gia Hà, xã Quảng Hợp tiếp tục vận động nhân dân hiến đất, tự nguyện đóng hơn hai triệu đồng/nhân khẩu, huy động con em xa quê ủng hộ được 1,5 tỷ đồng thi công hơn 2 km đường giao thông, lòng đường rộng 4-5m cùng hệ thống tiêu, thoát nước; nâng nền sân bóng đá, nhà văn hóa thôn, trồng 16 cây gù hương, chỉnh trang khuôn viên công cộng.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Gia Hà Vũ Văn Cường cho biết, năm 2024, thôn Gia Hà huy động hơn bốn tỷ đồng xây dựng cơ bản và đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng bào Công giáo trong thôn thể hiện rõ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Ở thôn 7, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, Chi ủy đưa ra dân bàn, thống nhất chủ trương, giao ban công tác Mặt trận, các đoàn thể vận động nhân dân hiến đất, mở rộng đường. Đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết, lấy gương gia đình tiên phong hiến đất, thúc đẩy các hộ noi theo, hơn 70% số hộ trong thôn đã tình nguyện hiến 1.440m2 đất ở, tháo dỡ công trình trên đất trị giá khoảng hai tỷ đồng để mở rộng, đổ bê-tông nền đường. Mỗi nhân khẩu tự nguyện đóng góp từ 200-500 nghìn đồng và con em đi làm ăn xa chung góp 200 triệu đồng nên thôn đã hoàn thành thảm bê-tông 1,4 km đường giao thông, trong đó gần 1 km có nền đường rộng 6,5m, các ngõ xóm rộng từ 4,5m trở lên.

Bí thư Chi bộ thôn 7 Lê Đình Ngọc chia sẻ: Hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, nhất là cán bộ, đảng viên tiên phong hiến đất, tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân, tranh thủ người uy tín trong cộng đồng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nên thôn 7 đã thực hiện có hiệu quả phương châm “Lấy sức dân, lo cho dân”.

Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Hệ thống giao thông nông thôn ở Thanh Hóa dài 24.076,3 km, chiếm gần 84% tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh. Cùng nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh, các huyện; phong trào toàn dân làm đường giao thông phát triển sâu rộng, huy động đóng góp, tham gia tích cực của nhân dân trong xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường cùng công trình thoát nước theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhiệm kỳ này, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2022-2025. Ba năm qua, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 220 tỷ đồng thi công được gần 122 km đường giao thông, 120 công trình trên tuyến. Mặc dù vậy, tỷ lệ kiên cố hóa đường xã mới đạt gần 57% kế hoạch đề ra. Nhiều địa phương chưa chủ động đối ứng, thiếu chủ động, kiên trì vận động nhân dân hiến đất, trách nhiệm vì cộng đồng của một bộ phận người dân chưa cao. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, định hướng sử dụng đất có nơi, có thời kỳ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng...

Tháng 7/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về cuộc vận động nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng, trọng tâm làm đường giao thông khu vực nông thôn, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống giao thông, các công trình công cộng và căn cứ quy hoạch, khả năng thực tế để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cuộc vận động, gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh; tập trung vận động nhân dân hiến đất để mở rộng các tuyến đường, di chuyển cột điện, cột viễn thông đến vị trí phù hợp, đầu tư hệ thống thoát nước, chỉnh trang tường rào, trồng cây xanh, tạo cảnh quan đẹp, thân thiện môi trường. Hơn 5 tháng thực hiện Chỉ thị số 24, Thanh Hóa đã vận động được 64.628 hộ gia đình hiến hơn 261 ha đất, phá dỡ 61.730 công trình trên đất, đã di dời 11.402 cột điện, cột viễn thông để mở rộng, nâng cấp đường giao thông.

Dự kiến tỉnh sẽ tiếp tục vận động nhân dân hiến đất để đến năm 2030 mở rộng hơn 2.660 km đường, đầu tư nâng cấp hơn 7.301 km đường huyện, xã, phường, thôn, bản, khu phố, ngõ xóm; trong đó giai đoạn 2024-2025 vận động nhân dân hiến đất để mở rộng hơn 1.184 km đường, đầu tư nâng cấp hơn 3.134 km giao thông. Toàn tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động đến từng tổ dân cư, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, hướng nội dung tuyên truyền tới hộ dân đang sinh sống hai bên các tuyến đường để các hộ hiểu, thấy rõ lợi ích của việc mở rộng đường giao thông và thực hành “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, khơi dậy tinh thần vì cộng đồng, tự nguyện, tự giác hiến đất của mỗi người dân để cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đường giao thông nông thôn, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.