Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tại Peru vào cuối năm 2020 song đến giữa tháng 6/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới xếp Lambda vào danh mục "biến thể cần chú ý", mức thấp hơn so với các "biến thể đáng lo ngại" như Delta. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Lambda đã trở thành biến thể chủ đạo ở các nước khu vực Mỹ Latin. Tại Peru, tính từ tháng 4/2021 đến nay, hơn 80% số bệnh nhân Covid-19 mắc biến thể Lambda. Sau thời gian hoành hành ở Nam Mỹ, biến thể này tiếp tục lan nhanh ra các châu lục khác, đe dọa sẽ cùng với biến thể Delta tạo thành một "làn sóng dịch kép" trên toàn cầu.
Tiến sĩ Adam Taylor, chuyên gia nghiên cứu về các chủng vi-rút mới tại Viện Y tế Menzies thuộc Ðại học Griffith (Australia) đưa ra các bằng chứng sơ bộ cho thấy, Lambda dễ tác động tới tế bào hơn và có khả năng phản kháng hệ miễn dịch của con người cao hơn một chút so với vi-rút gốc được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán. Lambda cũng có một số đột biến tác động tới các gai protein của SARS-CoV-2, qua đó giúp nó có đặc tính lây nhiễm mạnh hơn. Các nhà khoa học đang đẩy mạnh nghiên cứu để đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm của biến thể Lambda.
Trong khi đó, "cơn ác mộng" Delta vẫn đang càn quét khắp các châu lục, xuất hiện tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dòng chảy vaccine chậm chạp, tỷ lệ tiêm phòng còn thấp, hệ thống bệnh viện quá tải… đang đẩy nhiều quốc gia tới gần nguy cơ khủng hoảng y tế.
Giới chuyên gia cảnh báo, thế giới đã bước vào giai đoạn nguy hiểm mới khi làn sóng dịch hiện nay tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho sự phát triển của các biến thể mới, dễ lây lan và có khả năng kháng vaccine. Sự xuất hiện của những biến thể như Alpha, Beta, Delta, Lambda, Eta, Kappa… đã chứng minh mức độ phức tạp, khó lường của dịch Covid-19. Bởi vậy, đẩy mạnh tiêm chủng và không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch vẫn là "công thức hoàn hảo" để đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
TƯỜNG VY