Nghị định 15/2018 (Nghị định 15) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thay thế Nghị định 38/2012 thực hiện hậu kiểm an toàn thực phẩm thay vì tiền kiểm. Ngày 16-4-2018, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Thường trực ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành Kế hoạch số 315/KH-BCĐLNTƯATTP về việc Triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2018. Kế hoạch tiến hành hậu kiểm tại các địa bàn trọng điểm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hưng Yên, Đồng Nai, Vĩnh Long (tháng 4, 5, 6-2018); Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, An Giang (tháng 7, 8, 9-2018); Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Bắc Ninh, Bắc Giang (tháng 10, 11, 12-2018).
70% vi phạm liên quan đến quảng cáo
Đến nay, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn thanh tra hậu kiểm. Kết quả bước đầu cho thấy, những sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực quảng cáo tới 60-70%, chủ yếu vi phạm như chưa có thẩm định nội dung, quảng cáo không đúng nội dung thẩm định, quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, kể cả ung thư. “Đây là hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm. Chỉ tính riêng từ 1-1-2018 đến nay, chúng tôi có 7 cán bộ thanh tra của Bộ tiến hành hậu kiểm và phạt hơn 4 tỷ đồng tiền vi phạm. Đó là chưa kể những vụ xử lý vi phạm tại 63 tỉnh, thành phố”, ông Phong nói.
Với các vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các công ty vi phạm phải tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, trong quá trình hậu kiểm, khó nhất là kiểm tra các sản phẩm kinh doanh qua mạng điện tử, facebook vì có nhiều sản phẩm chưa công bố, chưa được phép lưu hành, quảng cáo sai quy định, quảng cáo quá mức…
“Nhiều trường hợp khi chúng tôi mời doanh nghiệp lên chỉ ra sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định nhưng có doanh nghiệp khi lập biên bản, đã khẳng định website vi phạm quảng cáo đó không phải trang web của họ, không chịu trách nhiệm về trang web nên cán bộ y tế rất khó xử lý. Chúng tôi phải phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) để khi nào gặp phải trường hợp này, đề nghị Cục truy xem ai đứng tên miền. Tuy nhiên, có những thông tin do cá nhân đứng ra đăng ký tên miền, gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Có doanh nghiệp thu giấy phép lưu hành vẫn sản xuất nên chúng tôi phải xử lý theo hướng tình tiết tăng nặng”, ông Phong cho biết.
Cảnh báo thực phẩm giảm béo chứa chất cấm
Thời gian vừa qua, khi thực hiện chức năng hậu kiểm, cơ quan quản lý phát hiện các địa phương có sản phẩm có công dụng giảm cân chứa thành phần Sibutramine. Đây là chất cấm trong ngành dược do có tác dụng phụ xấu gây ảnh hưởng sức khỏe.
Sibutramine là hoạt chất đã bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấm sử dụng theo công văn số 5149/QLD-CL ngày 14-4-2011 do có tác dụng không mong muốn. Sibutramine là một loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn, là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp do gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch.
“Khi làm thủ tục công bố kiểm nghiệm không có chất này nhưng thực tế sản xuất, các cơ sở này lại cho chất cấm vào. Chúng tôi tiến hành thu hồi và xử lý vi phạm nặng, có cơ sở phạt tới 500 triệu đồng. Trước tỷ lệ chất cấm nhiều trong thực phẩm giảo béo, chúng tôi cảnh báo cả với nhập khẩu và sản xuất trong nước, đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm nghiệm, lấy mẫu, kiểm tra các chỉ tiêu. Đến thời kỳ nào kiểm tra thấy giảm hết đi lại dỡ bỏ cảnh báo”, ông Phong nói.
Để tiếp tục triển khai công tác kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai lấy mẫu trên diện rộng, tập trung vào nhóm sản phẩm giảm cân là thực phẩm chức năng để đánh giá chất lượng và an toàn của sản phẩm, ưu tiên giám sát chỉ tiêu Sibutramine.
Theo ông Phong, hiện nay chế tài xử phạt đã rất nghiêm. Ngoài phạt tiền, còn có hình phạt bổ sung công bố vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hồi các loại giấy phép, phạt gấp bảy lần số hàng hóa vi phạm. Tuy nhiên cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ chưa xử lý quyết liệt các vi phạm.
“Chúng tôi đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 178 chia nhỏ hình phạt ra, cộng gộp lại còn nặng nữa về chế tài. Tuy nhiên, vấn đề chế tài chỉ là một yếu tố, chủ yếu là cơ quan được giao nhiệm vụ có xử lý nghiêm hay không”, ông Phong cho hay.