Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 được tổ chức hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, sự tham gia của toàn dân, bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Tại hội nghị, các diễn giả trình bày tham luận xoay quanh giải pháp thanh toán trực tuyến qua mã QR; hệ sinh thái đám mây - hạ tầng phục vụ chuyển đổi số; nền tảng tự học tiếng Anh trực tuyến; du lịch thông minh - tiềm năng và cơ hội…
Nhiều tham luận tại hội nghị đã minh chứng cho sự cần thiết của chuyển đổi số, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Ông Hồ Lê Anh Duy, Giám đốc kinh doanh dự án công nghệ thông tin Mobifone Hậu Giang, chia sẻ, với chủ đề “Du lịch thông minh - tiềm năng và cơ hội”, hiện nay có chương trình “Du lịch thông minh Mobifone Smart Travel” rất hữu ích.
Chương trình được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông minh, giúp quản lý, kết nối thông tin của địa phương, quảng bá sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp trong du lịch. Cùng với đó, đáp ứng tốt cho trải nghiệm du lịch toàn trình của khách hàng; tương tác, chia sẻ thông tin; tạo thuận tiện quảng bá sản phẩm, dịch vụ tới du khách…
Các diễn giả trình bày tại hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Hậu Giang, đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số. Rà soát, triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số để triển khai hiệu quả; tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công nộp trực tuyến từ xa.
Các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng. Các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp tục tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; số hóa và và tái sử dụng thành phần hồ sơ thủ tục hành chính để người dân không cần phải nộp lại các giấy tờ cá nhân nhiều lần.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, kinh tế số, xã hội số của tỉnh từng bước hình thành. Hậu Giang đã thành lập được 600 tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu vực trên địa bàn.
Tỉnh từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương lên các sàn thương mại điện tử. Hiện có hơn 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia sử dụng các nền tảng công nghệ số để quản trị, sản xuất, kinh doanh.
Hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh hiện có gồm: Trung tâm dữ liệu tỉnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC, hệ thống giám sát an toàn không gian mạng, dữ liệu dân cư tỉnh Hậu Giang...
Hậu Giang cũng đã thành lập Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang với khoảng 28,5ha, bước đầu có 4 doanh nghiệp đăng ký, hiện đang triển khai xây dựng.