Nắm bắt nhu cầu xã hội
Trước đây, trang trại sữa dê Ngọc Đào, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, chủ yếu nuôi dê lấy sữa thương phẩm, nhưng với sự cần cù, sáng tạo, nhiều sản phẩm được chế biến từ sữa dê ra đời, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, như: yaourt sữa dê, sữa chua dê sấy khô, phô mai sữa dê, sữa chua dê và mít sấy, sầu riêng sấy thăng hoa… Không những thế, trang trại này còn phát triển thành điểm du lịch nông nghiệp-nông thôn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Đua, chủ trang trại sữa dê Ngọc Đào, chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, địa phương, gia đình tôi đăng ký và đã có nhiều sản phẩm chế biến từ sữa dê được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Thông qua nhiều kênh thông tin, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng về việc muốn tham quan và trải nghiệm quy trình nuôi dê và lấy sữa dê, cũng như việc chế biến các sản phẩm từ sữa dê, nên gia đình tôi đã mạnh dạn làm điểm du lịch nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP của mình”.
Đến nay, Hậu Giang có hơn 20 điểm du lịch nông nghiệp-nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ngoài điểm du lịch nông nghiệp-nông thôn trên thì trên địa bàn Hậu Giang còn có thể kể đến một số điểm du lịch ấn tượng khác như: Vườn dâu Thiên Ân ở thành phố Ngã Bảy, Homestay Mương Đình ở huyện Châu Thành A, Khu du lịch sinh thái Mùa Xuân ở huyện Phụng Hiệp…
Trong đó, Khu du lịch sinh thái Mùa Xuân là nơi du lịch lâm nghiệp kết hợp với sinh thái. Đặc biệt, nơi đây có vườn chim với hàng trăm cá thể để du khách đến tham quan và trải nghiệm. Đến đây, du khách có cơ hội tận hưởng cảm giác xuyên rừng bằng vỏ lãi, hòa nhập với thiên nhiên, nơi cư trú của các loài chim quý.
Du khách sẽ được trải nghiệm bơi xuống vào lung cá, tận hưởng những giây phút lắng đọng, thả hồn theo sông nước miền tây. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn đậm chất đồng quê; tham gia các trò chơi dân gian, câu cá giải trí thư giãn; trải nghiệm đi cầu khỉ miền Tây, trải nghiệm lấy mật ong rừng…
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Những loại hình du lịch này ở nông thôn đang mang lại nhiều ý nghĩa, hiệu quả thiết thực. Trong đó, một là giúp phát triển kinh tế nông thôn, hai là tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp mà mỗi cư dân tại địa phương có thể cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách”.
Cũng theo ông Long, nếu không có các hoạt động tạo thu nhập ở vùng nông thôn thì các dòng di dân từ nông thôn lên đô thị càng mạnh mẽ. Nếu du lịch nông thôn phát triển sẽ có thêm việc làm cho giới trẻ và có thêm “không gian” để mọi người dân có những ý tưởng sáng tạo, hay có thể tận dụng chính những cảnh sắc làng quê thanh bình, những nét văn hóa đa dạng, những sản phẩm nông nghiệp phong phú để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp-nông thôn.
Điều quan trọng của việc phát triển du lịch nông thôn là sẽ thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ nông sản, gia tăng giá trị nông sản từ hoạt động du lịch là kênh quảng bá hữu hiệu cho nông sản địa phương. Ngược lại, nông sản đặc trưng của địa phương là hồn cốt trong tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, thúc đẩy cho ngành du lịch phát triển. Bên cạnh đó, tính bền vững xã hội nông thôn sẽ được đảm bảo khi du lịch nông nghiệp-nông thôn tạo cơ hội cho người dân thiếu việc làm kiếm thu nhập tại nơi mình sinh sống, không phải đổ dồn về thành thị để mưu sinh.
Du khách thích thú khi đến Khu du lịch Mùa Xuân. |
Chuẩn hóa các điểm du lịch nông nghiệp-nông thôn
Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có 175 sản phẩm OCOP được công nhận và đang rất cần sự kết nối nhiều hơn nữa để thúc đẩy tiêu thụ. Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi phải mang ý nghĩa, giá trị trong từng sản phẩm OCOP như đúng với ý nghĩa chương trình đề ra. Đó là hồn quê, là giá trị đặc sắc của mỗi địa phương “mỗi làng một sản phẩm. Nếu những giá trị đó được thể hiện qua ẩm thực, qua quà tặng hay qua các sản phẩm nông sản đặc trưng của mỗi địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép là vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản được tốt hơn.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, xác định lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là 2 trong 4 trụ cột của nền kinh tế Hậu Giang, nên thời gian qua, tỉnh đã triển khai kịp thời, đồng bộ chương trình phát triển du lịch nông nghiệp-nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.
Trong đó, Hậu Giang đã ban hành được các chính sách về phát triển nông nghiệp, du lịch trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là những nông dân, nhà vườn, chủ trang trại trên địa bàn. Nhìn chung các chủ thể này đang dần có sự quan tâm, đầu tư phát triển các địa điểm du lịch nông nghiệp-nông thôn ngày một tốt hơn. Từ đó, đã góp phần vực dậy đáng kể cho lĩnh vực nông nghiệp và du lịch của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời tạo cơ sở cho những mục tiêu lớn tiếp theo.
Một số chỉ tiêu lớn được đề ra trong phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn của Hậu Giang từ nay đến năm 2025 là không ngừng phát triển và chuẩn hóa các điểm đến du lịch nông nghiệp-nông thôn gắn với sản phẩm đặc trưng và OCOP của từng vùng. Trong đó, phấn đấu có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đồng thời có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và được kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số…
Để đạt được các mục tiêu trọng tâm này, ngành chức năng tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông nghiệp-nông thôn; đồng thời thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển, nguồn lực trong hoạt động du lịch nông nghiệp-nông thôn, từ đó đề xuất giải pháp hỗ trợ phát triển điểm và sản phẩm du lịch nông nghiệp-nông thôn.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp-nông thôn, cũng như quan tâm phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua lồng ghép giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP địa phương đến khách tham quan tại các điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn.
“Hậu Giang cũng sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các hoạt động diễn đàn, hội thảo về giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp-nông thôn để giúp cho ngành chức năng và người dân của tỉnh có thêm nhiều thông tin, giải pháp phát triển lâu dài. Bên cạnh đó là quan tâm, tạo điều kiện, giới thiệu các nhà đầu tư, công ty du lịch đến với Hậu Giang, khảo sát thị trường, gặp gỡ các cơ sở du lịch nông nghiệp-nông thôn trên địa bàn tỉnh để chia sẻ kinh nghiệm, kết nối, mở rộng thị trường, nằm giúp cho Hậu Giang phát triển mạnh hơn các hoạt động du lịch nông nghiệp-nông thôn trong thời gian tới”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết thêm.