![]() |
Những người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng - người trực tiếp thực hành nghi lễ hầu đồng.
Hầu đồng là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... từ đó đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái thăng hoa.
Trước khi hầu đồng, mọi việc phải được chuẩn bị kỹ càng, từ chọn ngày lành, tháng tốt; chọn nơi Đền, Phủ, Điện phù hợp; chọn bốn người hầu dâng; mời con nhang, đệ tử, quan khách, chuẩn bị lễ vật dâng cúng; trang phục, phụ kiện và không kém phần quan trọng là mời cung văn.
Hầu đồng có tất cả 36 vở diễn xướng, tục gọi là 36 giá đồng, mỗi giá nói về huyền tích của một vị thánh, làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền...
Nghệ nhân dân gian Hoàng Tiến Hưng trong giá hầu Quan lớn tuần tranh.
Mỗi lần thay giá, người hầu dâng lại phủ lên thanh đồng một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra và thay bộ trang phục xống áo, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng…
Trang điểm kỹ càng sau mỗi lần thay giá.
Trang phục của thanh đồng cũng rất phong phú, đa dạng tùy theo nội dung của từng giá đồng, thường thể hiện rất rõ đặc tính cũng như nguồn gốc xuất thân của từng vị thánh trong mỗi giá đồng.
Có thể nói, nghi lễ hầu đồng là một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian rất đặc biệt với nhiều câu chuyện truyền thuyết, thần tích hấp dẫn về các thần linh. Nó không chỉ tạo nên một không gian tâm linh huyền bí mà còn thể hiện được nét uy nghi, sang trọng, cũng như niềm hân hoan và vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của người Việt trong một thế giới văn hóa đa sắc màu, đa dân tộc.