Hát Quan Lang, nét đẹp văn hóa trong đám cưới của người Tày

Trong kho tàng văn hóa phi vật thể của người Tày (tỉnh Lạng Sơn) có câu: "Không có hát Quan Lang thì không phải đám cưới người Tày". Để tìm hiểu sâu hơn về điệu hát Quan Lang độc đáo này, chúng tôi đã đến xã Mông Ân, huyện Bình Gia, nơi có hơn 95% là đồng bào dân tộc Tày sinh sống cùng những nét văn hóa bản sắc, cổ xưa được truyền thụ qua nhiều thế hệ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà gái hát điệu "Đưa cô dâu ra trình họ" giới thiệu, gửi gắm cô dâu cho nhà trai.
Nhà gái hát điệu "Đưa cô dâu ra trình họ" giới thiệu, gửi gắm cô dâu cho nhà trai.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mông Ân Hoàng Văn Khoai, từ xa xưa, hát Quan Lang đã là một hoạt động tất yếu diễn ra trong mọi đám cưới của đồng bào dân tộc Tày. Những khúc hát Quan Lang tồn tại trong dân gian một cách dân dã, được đông đảo bà con biết, thuộc nhưng không thể diễn xướng một cách tự do mà phải theo trình tự, thủ tục, nghi lễ nhất định.

Hát Quan Lang thường được chia làm ba cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát có nội dung chỉ bảo lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống, mang tính giáo dục truyền thống cao, răn dạy con người việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ.

Mở đầu, khi nhà trai đến cổng nhà gái sẽ gặp hai em nhỏ chăng dây đứng chắn đầu đường, tượng trưng cho vật thử thách. Để vượt qua, ông Quan Lang đại diện nhà trai phải xuất khẩu thành thơ, cất tiếng hát trước thể hiện thiện chí đón dâu, sau khi được nhà gái chấp nhận, thả dây xuống mới được tiến thêm vào nhà gái.

Nội dung phần hát Chăng dây (hay còn được gọi là Hát khên lền) có thể hiểu như: Tháng năm, tháng sáu để chăng dây cho ruộng thẳng hàng, để bó củi ở vườn hồi, vườn quế/ Chứ không phải để chăng dây cản khách đi lại nơi này.

Sau khi đã vượt qua được thử thách chăng dây, lên được đến nhà gặp cô dâu, ông Quan Lang đại diện cho nhà trai sẽ tiếp tục thể hiện các phần: hát trải chiếu (pjoi phục); hát mời rượu, mời trầu; hát trình tổ (xiềng trỏ); hát mời cơm (nai bôm); hát bái tổ (lạy táng); hát nộp rể, nộp dâu (nộp khươi, lùa),… cho tới khi nghi thức đám cưới, đón con dâu về nhà được hoàn thành.

Những người hát Quan Lang là những người đại diện cao nhất của họ nhà trai cũng như nhà gái, thay mặt bố, mẹ và họ hàng ứng xử mọi việc, làm nhiệm vụ thay mặt họ nhà trai mang trầu, cau đến nhà gái thực hiện từ nghi thức dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho đến khi đón dâu về.

Do đó, ông Quan Lang được chọn phải là người đứng tuổi, đức độ, có uy tín, khéo ứng xử, giàu tri thức và am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình và phải là người có vợ con, gia đình êm ấm hạnh phúc, có tài ứng khẩu thành thơ,… Vậy nên, trước khi đám cưới, nhà trai thường rất cẩn trọng trong việc tìm Quan Lang để đón dâu, nhà gái cũng hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn Quan Lang để đưa con gái mình về nhà chồng.

Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Nhắc đến dân tộc Tày, có thể nói tới một hình thức diễn xướng độc đáo và nổi bật là hát Then. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hình thức diễn xướng khác mà trong đó đáng được quan tâm là tục hát Quan Lang. Hát Quan Lang (thơ lẩu, hát cưới...) là những bài hát được diễn xướng trong đám cưới người Tày. Điều quan trọng là, hát Quan Lang không phải để biểu diễn mà để thể hiện sự kết nối giữa con người với con người và với thế giới tâm linh.

Vì ý nghĩa này mà trong bất kỳ đám cưới truyền thống nào của người Tày cũng đều phải có hát Quan Lang, dù nhiều hay ít. Không những vậy, hát Quan Lang luôn giữ vị trí quan trọng và có vai trò chi phối toàn bộ diễn trình của một đám cưới. Giữa đám cưới và hát Quan Lang luôn có mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau, có đám cưới là có hát Quan Lang và ngược lại. Vì vậy, hát Quan Lang trở thành một nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu cho phong tục cưới xin của người Tày.

Thông qua hát Quan Lang có thể thấy tất cả các giá trị văn hóa cổ truyền được hội tụ trong đó, những quy ước đối nhân xử thế, giao tiếp giữa cá nhân với cộng đồng, với tổ tiên, với thần linh, thấy được những khát vọng sống, những nét đẹp, đạo lý, những môn nghệ thuật diễn xướng có tác dụng rất sâu sắc đến tình cảm con người.

Trước đây, trong các đám cưới truyền thống của người Tày, việc thực hành hát Quan Lang được diễn ra rất thường xuyên và đều đặn, tuy nhiên, do giao thoa văn hóa, nếp sống hiện đại khiến nét văn hóa này phần nào bị mai một. Để phục dựng lại lễ cưới cổ của đồng bào dân tộc Tày, trong đó có hát Quan Lang, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia Lèo Văn Hiệp cho biết: Thời gian qua, UBND huyện Bình Gia đã quan tâm, chú trọng phục dựng hoạt động văn hóa cộng đồng hát Quan Lang, để trao truyền lại cho các thế hệ sau, cũng như là điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Để gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo này, thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào dân tộc Tày tỉnh Lạng Sơn đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế. Cùng với việc sưu tầm các điệu hát Quan Lang cổ, nhiều địa phương đã phối hợp với các ban, ngành chuyên môn tích cực phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc truyền dạy hát Quan Lang, tổ chức các lớp tập huấn, chương trình giao lưu, hội diễn văn nghệ để điệu hát Quan Lang giữ nguyên sức sống trong nhịp sống đương đại.