Hansi Flick có mặt trong đội hình thất bại của Bayern trong trận chung kết C1 1986/1987. Và dĩ nhiên, ông đã chứng kiến sự ra đi của Udo Lattek 30 ngày sau đó. Mặc dù đã giúp Hùm xám đoạt năm danh hiệu, bao gồm ba chức vô địch Bundesliga liên tiếp, Lattek vẫn bị coi là thất bại.
Oliver Kahn, cựu thủ môn và là biểu tượng của CLB xứ Bavaria, từng nói, Bayern là con quái vật với sự tham lam vô độ. Nó chỉ tạm ngồi yên khi nhét vào bụng chiếc Cúp lớn nhất, nhưng ngay sau đó lại rơi vào cơn đói cồn cào.
Đã từ lâu, những danh hiệu ở quốc nội không làm Bayern thỏa mãn. Cúp C1/Champions League mới là đích đến, là thước đo thành công của các HLV. Cứ mỗi khi mùa giải bắt đầu, tuyên bố “năm sau chúng ta sẽ vô địch châu Âu” của Jupp Heynckes tại quảng trường Marienplatz ở trung tâm Munich cuối thập niên 1980 lại vang lên. Không chỉ là lời hứa, đó còn là mệnh lệnh mà tất cả phải tuân theo.
Thế nên trong chuyến tập huấn giữa mùa giải ở Doha hồi tháng 1, Flick đã ngồi lại với các cầu thủ và nói về mục tiêu ăn ba.
Tại sao một HLV thời vụ (khi ấy thời hạn hợp đồng của Flick chỉ đến cuối mùa giải) lại tự đặt áp lực cho mình bằng một nhiệm vụ quá khó? Bản thân ông hoàn toàn thiếu kinh nghiệm, và Bayern vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng với Niko Kovac, cơ sở nào khiến chiến lược gia 55 tuổi tự tin đến vậy?
Flick đã gắn bó với Bayern đủ lâu để nhận ra rằng, lý do khiến đội bóng này thống trị nước Đức và vươn lên trở thành một siêu cường, với tiềm lực tài chính và ảnh hưởng toàn cầu, chính là tham vọng, là cơn đói cồn cào của con quái vật thèm Cúp. Bayern chỉ tốt, và sẽ càng tốt hơn khi đứng trước thách thức cực đại. Ở Bayern là nền văn hóa chiến thắng.
Người tiền nhiệm Kovac, “sếp” của Flick, không hiểu điều này. Ông ta giới hạn đội bóng ở tầm Bundesliga và tiếp cận thụ động với Champions League. Khi thất bại, Kovac mô tả Bayern là một chiếc xe hơi không thể chạy 200 km/giờ trên cao tốc Autobahn.
Tư tưởng của Flick đạt được sự đồng thuận cao từ các cầu thủ Bayern, những người đã no nê danh hiệu trong nước và luôn hoàn thành mùa giải Bundesliga vì nghĩa vụ, bởi “Đĩa bạc” không thể trao sớm vào mùa xuân. Điều này cũng tương tự sự đồng thuận về sự thay đổi phong cách mà Flick tiến hành, về thứ bóng đá tấn công hơn, nhiều ham muốn và cũng hiệu quả hơn.
Điều quan trọng là Flick tin rằng Bayern đủ tốt cho mục tiêu ăn ba. Manuel Neuer, Thomas Mueller, Thiago hay Robert Lewandowski là những cầu thủ đẳng cấp thế giới. Joashua Kimmich, Serge Gnabry và Alphonso Davies cũng chất lượng không kém.
Thứ Bayern cần nhất chỉ là khơi dậy động lực của các cầu thủ, đồng thời xây dựng một phương án chiến thuật bài bản và giàu cảm hứng khiến họ phát huy triệt để tài năng. Về mặt này, Flick giỏi hơn bất kỳ ai khác. Các cầu thủ rất thích ông, bởi ông như một người bạn lớn hơn là một “ông sếp” khắc nghiệt. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể trò chuyện với Flick, sau đó nhận được lời khuyên hữu ích hay đơn giản chỉ là một cái ôm. Ông khiến họ tự tin trở lại, thể hiện những gì họ tốt nhất và khám phá năng lực tiềm ẩn, trước khi ra sân, chiến đấu đến giọt mồ hôi cuối cùng.
Tuy nhiên, tất cả điều đó không có nghĩa Flick là một HLV lành tính. Từng nổi tiếng là một tiền vệ cứng rắn và hiếu chiến, Flick không ngại nói ra quan điểm của mình, kể cả điều đó khiến giới lãnh đạo phật ý. Hồi tháng 1, ông đã công khai bác bỏ quan điểm của Giám đốc thể thao Hasan Salihamidzic và nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải tăng cường nhân sự. Một mặt ông sẵn sàng trao cơ hội cho những cầu thủ dự bị hoặc tài năng trẻ, một mặt ông không ngại đẩy lên ghế dự những ngôi sao đắt giá nếu họ không đáp ứng yêu cầu.
Đêm chung kết với PSG, Benjamin Pavard, Lucas Hernandez, Corentin Tolisso, bộ ba trị giá 156,5 triệu euro đều không có tên trong đội hình xuất phát. Trong khi đó, Kingsley Coman bất ngờ được đá chính, rồi đền đáp sự tin tưởng của ông thầy bằng bàn thắng duy nhất giúp Bayern hoàn tất cú ăn ba vĩ đại.
Khi Flick làm được điều mà Carlo Ancelotti, Pep Guardiola không thể, ông sớm được định danh là HLV huyền thoại của Bayern.