Về Trường tiểu học Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An), chúng tôi được các thầy, cô giáo kể về nghị lực vượt lên nghịch cảnh của hai anh em ruột là thầy Trần Văn Chương và thầy Trần Đình Đường. Hai thầy sinh ra trong một gia đình đông con, bố mất sớm, một mình mẹ làm ruộng không đủ tiền để trang trải cuộc sống nên chị gái phải nghỉ học sớm để đi làm thuê, giúp mẹ đỡ đần các em. Còn hai thầy buổi đi học, buổi đi chặt lá tro hay chặt củi, bán lấy tiền phụ mẹ chi phí sinh hoạt cho cả nhà.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong lúc bạn bè đăng ký các trường đại học trong nam, ngoài bắc nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn, nên Trần Văn Chương lựa chọn xuống Vinh đăng ký vào học Trường cao đẳng Sư phạm kỹ thuật 3 nhằm đỡ được phần nào học phí, và cuối tuần có thể về quê để lấy gạo. Thương anh, sợ anh bỏ học vì không có tiền, tốt nghiệp trung học phổ thông, Trần Đình Đường quyết định nghỉ học một năm, xuống Vinh ở cùng anh trai và đi làm thuê để có tiền cho anh đi học.
Tròn một năm cặm cụi làm việc, ngày anh trai tốt nghiệp ra trường cũng là khi người em nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường cao đẳng Sư phạm. Lúc này, thay vì về quê, xin một công việc ổn định, Trần Văn Chương ở lại Vinh vừa làm công nhân, vừa làm những công việc ngắn ngày để có tiền cho em đi học. Thầy Chương nhớ lại: Tôi học tin học, đã từng phỏng vấn và được một công ty máy tính ở Vinh nhận vào thử việc.
Thế nhưng, hỏi kỹ tôi mới biết, tháng đầu tiên, nhân viên tập sự không có lương. Vì không có tiền, lâu nay sống ngày nào biết ngày ấy nên tôi không dám nhận công việc này. Làm công nhân có thể vất vả hơn nhưng chúng tôi được trả công mỗi ngày, không lo không có cơm cho hai anh em…
Hành trình nuôi nhau của hai anh em kéo dài cho đến năm 2005, bởi sau khi tốt nghiệp, thầy Trần Đình Đường nhận được quyết định lên công tác tại Trường tiểu học Mường Lống 1, huyện biên giới rẻo cao 30a Kỳ Sơn (Nghệ An) dạy môn Mỹ thuật. Trong khi đó, thầy Chương cũng đã kịp học lấy chứng chỉ sư phạm và xin được về quê dạy môn Tin học ở Trường tiểu học Võ Liệt gần nhà.
Trong công việc của mình, thầy giáo Trần Văn Chương luôn nỗ lực, cố gắng hết mình. Là một giáo viên trẻ, từ khi nhận công tác đến nay, dù là làm giáo viên dạy Tin học hay vai trò Tổng phụ trách Đội, thầy đều hoàn thành nhiệm vụ và được đồng nghiệp yêu quý.
Năm học 2020-2021, huyện Thanh Chương lần đầu tiên tổ chức cuộc thi giáo viên dạy giỏi môn Tin học, thầy là giáo viên dạy Tin học duy nhất đăng ký dự thi và được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Sang năm học 2021-2022, thầy tiếp tục dự thi lần hai và đạt giải. Với kết quả hai năm liên tiếp đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thầy vinh dự được chọn đi thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2022.
Với thầy giáo Trần Đình Đường, hành trình làm thầy giáo thăng trầm hơn khi anh có 5 năm công tác ở huyện Kỳ Sơn và đều cắm bản ở những vùng khó, xa trung tâm. Hiện nay, dù thầy đã được chuyển về công tác gần nhà tại Trường tiểu học Võ Liệt, nhưng vợ thầy vẫn đang công tác tại Trường trung học cơ sở Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Con đầu theo mẹ lên vùng cao sinh sống. Trong khi đó, ở dưới xuôi, thầy và con trai út tự nuôi nhau, nửa tháng lại ngược đường lên thăm vợ, con hoặc vợ về xuôi…
Việc cả hai anh em cùng được công nhận giáo viên dạy giỏi cũng đã đem đến niềm vui lớn cho Trường tiểu học Võ Liệt. Riêng với hai anh em thầy giáo Trần Văn Chương và Trần Đình Đường, hội thi là một kỷ niệm, một dấu ấn khó quên trong hành trình dạy học của mình. Hơn thế, việc được tham gia cuộc thi, được thể hiện là một cách để các thầy, là hai anh em ruột, chứng minh trách nhiệm của mình với nghề, với học trò, với ngôi trường mà mình đang công tác.
Là một ngôi trường có bề dày thành tích của huyện miền núi Thanh Chương nhưng hơn 5 năm trở lại đây, Trường tiểu học Võ Liệt chỉ có hai giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi tỉnh. Thế nên, trong năm 2022, việc cùng một lúc trường có hai giáo viên được cử đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh là niềm vinh dự cho giáo viên, cho tập thể nhà trường. Điều đặc biệt hơn, cả hai đều dạy các môn đặc thù là Mỹ thuật, Tin học và lại là anh em ruột.
Cô giáo Phạm Thị Anh Lan, Hiệu trưởng nhà trường tự hào cho biết: Khi nhận được quyết định, hai thầy giáo Trần Văn Chương và Trần Đình Đường đều lo lắng và ít nhiều có những áp lực. Nhưng tôi tin vào chuyên môn của hai thầy và thường xuyên động viên, khích lệ để các thầy yên tâm, hoàn thành nhiệm vụ.