Cống hiến và hạnh phúc của thầy, cô giáo Tam Đảo

NDO - Ngành giáo dục huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang ngày một khởi sắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người trên vùng đất du lịch nổi tiếng này.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo huyện Tam Đảo chúc mừng các thầy, cô giáo.
Lãnh đạo huyện Tam Đảo chúc mừng các thầy, cô giáo.

Tới đâu, chúng tôi cũng bắt gặp các thầy, cô giáo say sưa yêu nghề, yêu đời, tràn đầy hạnh phúc, cho dù đó là ở thị trấn Tam Đảo mù sương hay vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngát màu xanh ruộng đồng, rừng núi.

Vượt lên thử thách

Ở Tam Đảo có những ngôi trường rất đặc biệt như Trường tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) Tam Đảo chỉ có 48 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Khối tiểu học có 5 lớp với 7 giáo viên; khối THCS có 4 lớp và 4 thầy, cô. Mỗi lớp chỉ có vài em, riêng lớp 8 chỉ có 2 em. Vào mùa đông, thị trấn du lịch vắng lặng như tờ, song các lớp học thì không nghỉ.

Thầy Ngô Việt Hà - dạy ở Trường đã được 14 năm chia sẻ: Mỗi giáo viên phải dạy nhiều môn. Riêng giáo viên tiếng Anh phải dạy từ lớp 1 đến 9. Hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường cũng lên lớp dạy học như giáo viên. Hầu hết các cô giáo của trường lập gia đình, mua nhà và định cư trên núi. Tuy nhiên vẫn còn một số thầy, cô nhà ở chân núi, sáng lên đèo, chiều lại xuống đèo.

Đường lên thị trấn Tam Đảo quanh co, khó đi. Ấy thế mà cô giáo Vũ Thị Yên, Hiệu trưởng Trường mầm non Tam Đảo vẫn gắn bó với trường suốt 18 năm nay. Nhà cô Yên ở thành phố Vĩnh Yên, cách thị trấn Tam Đảo 25km nhưng cô vẫn sáng đi, tối về.

Cô Yên không nhớ đã bao lần điều khiển xe máy trong dông bão. Có lần xe chở 2 cô giáo bị gió quật văng sang bên kia đường, suýt rơi xuống vực và may mắn có người hỗ trợ kịp thời. Có những lúc trời mưa to, nước trên núi đổ xuống, cuốn trôi cả xe máy. Cô Yên bảo, những lúc gặp tình huống như thế phải rất bình tĩnh để xử lý.

Chia sẻ với khó khăn của các thầy, cô giáo trên thị trấn Tam Đảo, thầy Lưu Văn Bảo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện bùi ngùi nói: Đường đi nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt, giá thực phẩm, hàng tiêu dùng tại thị trấn rất đắt đỏ. Lương giáo viên thấp, mà Phòng Giáo dục không có cách nào để hỗ trợ, bớt gánh nặng cho các thầy cô giáo.

Công việc vất vả là thế nhưng ai cũng cố gắng theo nghề. Để trang trải sinh hoạt, nhiều cô giáo làm thêm các công việc như bán hàng online, quản lý homestay. Chỉ có tình yêu nghề tha thiết mới giữ chân được các thầy, cô giáo của thị trấn Tam Đảo đến hôm nay.

Trái ngọt từ tình yêu với nghề dạy học

Trường THCS Bồ Lý là một hiện tượng đặc biệt của chất lượng giáo dục. Bồ Lý là một xã nghèo với hơn 38% người dân tộc thiểu số. Quanh trường toàn đồi núi, học sinh chủ yếu là con em nông dân. Nhưng trường vươn lên, trở thành trường có chất lượng dạy và học tốt nhất khối THCS huyện Tam Đảo (không tính trường THCS chất lượng cao).

Cống hiến và hạnh phúc của thầy, cô giáo Tam Đảo ảnh 1

Khuôn viên Trường tiểu học Hồ Sơn.

Hiệu trường Trường THCS Bồ Lý, thầy Đoàn Văn Công hạnh phúc với những kết quả đạt được.

Vợ chồng thầy Công về xã Bồ Lý công tác từ năm 1999, ở nhà tập thể suốt 15 năm. Điều khiến thầy yêu nghề, gắn bó với mảnh đất này là sự kính trọng của người dân với thầy, cô giáo.

Thầy Công tâm sự: "Cảm động nhất là những buổi chia tay đồng nghiệp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, người ở, người đi đều khóc".

Những tình cảm đậm đà mến thương ấy khiến các thầy, cô dành tất cả tâm huyết cho công việc. Có lúc các thầy cô phân công nhau đến nhà từng học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, xem góc học tập, hỏi han giờ tự học của các em.

Năm 2012, THCS Bồ Lý là đơn vị đầu tiên của huyện Tam Đảo được công nhận trường chuẩn quốc gia và từ đó liên tục vượt lên, trở thành một trong những trường hàng đầu về chất lượng giáo dục của tỉnh, của huyện. Tiếng lành đồn xa, hàng trăm học sinh ở các xã, huyện khác cũng xin về trường học dù trường cách nhà hàng chục cây số.

Cũng nhờ đồng tâm, đoàn kết mà Trường tiểu học Hồ Sơn trở thành trường điển hình của huyện về giáo dục toàn diện.

Thầy giáo Trần Xuân Trường, giáo viên của trường chia sẻ: "Các cuộc thi của trường ở mọi cấp độ đều bảo đảm chất lượng tốt. Mỗi khi có một giáo viên dự thi, cả tập thể xúm vào góp ý về chuyên môn, nghiệp vụ, không có chuyện so đo, tính toán cá nhân. Tôi thấy mình đã đúng khi chọn nghề dạy học và sẽ theo nghề này suốt đời".

Cô giáo Hoàng Thị Cẩm Tú, giáo viên Trường tiểu học Hồ Sơn cho biết thêm: Những giờ ngoại khóa, buổi sinh hoạt tập thể cũng rất vui. Tết Trung thu cả trường cùng nhau làm mâm ngũ quả; dịp Tết Nguyên đán, nhà trường lại tổ chức thi nấu bánh chưng. Cô Tú yêu trường, yêu nghề vì các đồng nghiệp, phụ huynh đều sống tình cảm, chan hòa.

Trân trọng và chia sẻ với thầy, cô giáo

Sự quan tâm chăm lo của nhân dân là động lực thôi thúc các thầy, cô giáo vươn lên khẳng định mình.

Cô giáo Lăng Thị Duyên ở Trường mầm non Tam Quan bày tỏ: "Sau 15 năm đứng lớp, chúng tôi thật sự được coi là giáo viên. Trước đây, một số người coi giáo viên mầm non chỉ là “cô trông trẻ”, mà không biết rằng, họ cũng phải soạn bài, thao giảng, sử dụng rất nhiều kỹ năng sư phạm để quản lý trẻ, dạy trẻ hát, múa, có ý thức tự vệ sinh thân thể và đưa trẻ hội nhập với thế giới chung quanh. Điều mà cô Duyên và nhiều thầy, cô mong mỏi các các bậc phụ huynh chia sẻ, phối hợp sâu sát hơn với các nhà trường.

Dù rất nổi tiếng với các danh hiệu “Khu du lịch quốc gia”, "Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới", song đến nay, Tam Đảo vẫn là huyện nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Mức độ quan tâm đến giáo dục của người dân chưa thể so với vùng đồng bằng và đô thị.

Bởi những thiệt thòi đó, nỗ lực của các thầy, cô giáo Tam Đảo càng đáng được trân trọng. Những thành tựu của ngành giáo dục được chính quyền và nhân dân Tam Đảo ghi nhận và đánh giá cao. Giờ đây, giáo dục Tam Đảo đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện nhận định: Nhận thức của các cấp, các ngành về giáo dục có nhiều tiến bộ, Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển giáo dục; Ủy ban nhân dân huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng các trường chuẩn quốc gia.

Đến nay, Tam Đảo có 35/36 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Lãnh đạo huyện có nhiều buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi kỹ về những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Thời gian tới, giáo dục Tam Đảo sẽ thay đổi, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng văn hóa và con người Tam Đảo trong giai đoạn mới.