Thị trấn Trường Sa một sớm hè tháng 6, hừng đông lên nhanh phía chân trời trong xanh. Ở cầu tàu thị trấn, dưới ánh nắng mặn mòi của Biển Ðông, Ðại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ðức Anh đứng đợi trong trang phục chỉnh tề; nét mặt điềm tĩnh của người lính đã mười mấy năm công tác tại các điểm đảo của huyện đảo Trường Sa không giấu được sự bồi hồi, bởi hôm nay anh đón con gái đến thăm.
Sau hồi còi vang mặt biển, tàu KN-290 cập cảng thị trấn Trường Sa, mang theo gần 200 đại biểu Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" năm 2023 đến thăm hỏi, động viên quân và dân huyện đảo tiền tiêu của đất nước. Sốt sắng hơn cả là Nguyễn Thị Diệu Linh, sinh viên năm nhất Trường đại học Ðiều dưỡng Nam Ðịnh, con gái Ðại úy Nguyễn Ðức Anh.
Là chị cả trong gia đình, Diệu Linh luôn tự hào và hiểu được những vất vả của bố. Bởi mỗi lần bố về thăm nhà, cô bé lại thấy làn da của bố sạm hơn, tóc rụng nhiều hơn. Dẫu Ðại úy Nguyễn Ðức Anh chưa bao giờ tâm sự, nhưng Diệu Linh và các thành viên trong gia đình đều hiểu rằng, nơi bố công tác chắc chắn còn nhiều khó khăn, khác biệt so với đất liền.
Mỗi năm, anh Ðức Anh chỉ được về phép một lần. "Từ khi biết sử dụng internet, em dành nhiều thời gian tra cứu thông tin về huyện đảo Trường Sa. Tình cờ, em được biết Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam thường tổ chức các đoàn hành trình đến thăm các điểm đảo và Nhà giàn DK1, với điều kiện đại biểu tham gia phải thật sự ưu tú, tiêu biểu. Em đã nỗ lực không ngừng và có may mắn được tuyển chọn làm đại biểu chuyến hành trình đầy ý nghĩa này", cô gái sinh năm 2004 chia sẻ.
Phút giây hội ngộ trên hòn đảo thiêng liêng cũng tới. Dù chưa hết mệt mỏi sau chuyến hải trình đầy sóng lớn và gió mạnh dài ngày, nhưng Diệu Linh vẫn đủ sức chạy thật nhanh để sà vào vòng tay người lính có gương mặt đã gợn nếp nhăn đang cố kìm nén xúc động. Hai tiếng "Bố ơi!" nghẹn ngào đầy thương yêu vang lên trên cầu cảng khiến ai nấy đều sững lại.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi dưới những tán bàng vuông xanh mát, Ðại úy Nguyễn Ðức Anh không một lần rời bàn tay dạn dày sóng gió khỏi đôi tay nhỏ bé của cô con gái. "Ở biển, đảo xa xôi, các cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân rất coi trọng giá trị tinh thần. Vì vậy, việc được con gái tới thăm ngay tại nơi công tác không chỉ là món quà vô cùng ý nghĩa đối với cá nhân tôi, mà còn tiếp thêm niềm hứng khởi cho đồng đội, người dân thị trấn. Từ khi biết tin Diệu Linh là đại biểu Hành trình, tôi mất ngủ mấy đêm, tự hào vì có con gái giỏi giang, chăm chỉ rèn luyện, học tập", anh nói.
Quả thật, cuộc gặp mặt đặc biệt của Nguyễn Thị Diệu Linh đã được cán bộ, chiến sĩ thị trấn Trường Sa chờ đợi từ lâu. Mang những món quà nhỏ được làm ra bởi chính những người lính đảo trao tặng cô nữ sinh từ đất liền, Ðại úy Vũ Văn Trường, chỉ huy trực tiếp của Ðại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ðức Anh cho hay: "Trên đảo, ai cũng coi nhau như người nhà, do đó Diệu Linh chẳng khác nào cháu gái của anh em cán bộ, chiến sĩ. Những ngày này, biết cháu sắp ra thăm, chúng tôi ai cũng phấn chấn, mong chờ"...
Cũng là một trong những bạn trẻ có mối duyên đặc biệt với Trường Sa từ khi chưa trở thành đại biểu Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" năm 2023, Nguyễn Ngọc Quang mang ra đảo Ðá Tây A không ít tài liệu đo đạc, dụng cụ quan trắc để hoàn thiện một đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng có ý nghĩa rất thiết thực, do chính mẹ mình - một nhà khoa học tại Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga triển khai tại đây: Hệ thống nhà vệ sinh năng lượng mặt trời sử dụng nước biển.
Thừa hưởng niềm đam mê của mẹ, Nguyễn Ngọc Quang có sở thích đặc biệt với những công trình khoa học. Hiện, anh là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm cuối chuyên ngành Hóa học môi trường tại Ðại học Hanyang (Seoul, Hàn Quốc), từng giành giải nhì cuộc thi "Ý tưởng sinh viên bảo vệ chủ quyền và phát triển biển, đảo của Tổ quốc" năm 2020. Ba năm trước, mẹ anh đã đến đảo Ðá Tây A để lắp đặt bốn nhà vệ sinh năng lượng mặt trời cùng hệ thống xử lý nước thải tại chỗ. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, bà và các đồng nghiệp vẫn chưa có cơ hội trở lại đây để nghiệm thu trực tiếp.
Cũng vì lý do đó, chúng tôi may mắn chứng kiến sự phối hợp thú vị giữa hai thế hệ nhà khoa học trong cùng một gia đình ở nơi đầu sóng ngọn gió, ngăn cách địa lý. Qua những dòng tin nhắn trao đổi rất đỗi thân thuộc, chàng tiến sĩ trẻ tương lai vừa xem tài liệu, chụp ảnh, ghi hình, vừa viết rất nhanh những dòng báo cáo nghiệm thu, phác thảo phương án bảo trì… vào chiếc điện thoại trên tay bởi thời gian thăm đảo không nhiều.
"Sau chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam, tôi chỉ có đúng bốn ngày chuẩn bị trước khi tham gia hành trình, trong đó có việc nghiên cứu kỹ công trình của mẹ để có kết quả nghiệm thu chính xác nhất, hướng tới nâng cao hiệu quả phục vụ quân và dân đảo Ðá Tây A, mở rộng phạm vi triển khai đến các điểm đảo khác tại Trường Sa trong tương lai không xa. Tôi rất tự hào và vinh dự khi được góp sức trẻ, nhiệt huyết cho khoa học nói chung, vì biển, đảo Tổ quốc nói riêng", nhà khoa học 28 tuổi nói.
Niềm vui của Ngọc Quang như được nhân đôi, khi quá trình nghiệm thu cho những kết quả rất khả quan: toàn bộ hệ thống xử lý nước thải, bao gồm cả pin năng lượng mặt trời vẫn hoạt động tốt trước điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mẹ giao, anh còn có được cho mình những số liệu, thống kê cần thiết để phát triển ý tưởng biến nước mặn thành nước ngọt sử dụng vật liệu hấp thụ bốc hơi nhờ ánh sáng mặt trời đã nhiều năm theo đuổi.
Lan tỏa tình yêu biển, đảo quê hương
Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" là chương trình do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam triển khai nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hành trình tổ chức đưa hàng trăm đại biểu cán bộ Hội, sinh viên ưu tú đến với huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Ngày 29/5/2023, đoàn hành trình rời cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) để đến thăm hỏi, trao quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Ðá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần.
Ðối với mỗi đại biểu, hành trình để lại những trải nghiệm, dấu ấn của sự trưởng thành. Ngay từ đầu hải trình, các bạn trẻ đã phải chống chọi với sóng to và gió lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển. Tại các điểm đảo, thời tiết không thuận lợi. Không ít đại biểu khi vừa đặt chân lên đảo, phải ngồi sụp xuống vì mất sức, nhưng chỉ vài phút sau lập tức đứng dậy để cùng nhau làm nên những chương trình mang tính lịch sử của sinh viên Việt Nam tại Trường Sa.
Ðó là giải chạy "Vì Trường Sa thân yêu" trên đường băng sân bay thị trấn Trường Sa; triển lãm mỹ thuật "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" với hơn 50 tác phẩm đầy cảm xúc tự hào; là lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại vùng biển Gạc Ma dưới cơn mưa nhiệt đới trắng xóa, hay dòng lưu bút đầy nét thư sinh mà chiến sĩ trẻ viết trong sổ tay của các đại biểu, những buổi học "gia sư" chớp nhoáng giữa đại biểu và thiếu nhi trên đảo…
Ðáng nhớ nhất, có lẽ phải kể đến điểm dừng chân cuối của hành trình: Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần. Không đại biểu nào có thể đặt chân lên sàn nhà giàn vì sóng quá lớn. Nhưng bằng tinh thần xung kích, sức sáng tạo đầy trẻ trung, các bạn trẻ đã xin được ngồi trên những chiếc xuồng nhỏ, đến thật sát nhà giàn để mang lời ca, tiếng hát đến với cán bộ, chiến sĩ. Từ hệ thống liên lạc trên tàu, các đại biểu cùng biểu diễn những tiết mục văn nghệ sôi nổi, tạo nên bầu không khí gần gũi, thân mật để gửi trực tiếp sang nhà giàn.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, Phó đoàn hành trình, các đại biểu đã có những trải nghiệm quý báu khi vận dụng kiến thức được học để đưa vào thực tế, nhất là ở các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Qua chuyến đi ý nghĩa này, sinh viên thêm vững tâm khi tận mắt thấy đời sống của quân và dân huyện đảo Trường Sa ngày một cải thiện, từ đó lan tỏa mạnh mẽ, củng cố vững chắc chủ quyền Tổ quốc sau khi trở về với đời sống thường ngày.
Các hoạt động trong suốt hành trình đều gắn chặt với phong trào "Sinh viên 5 tốt": tiêu chí "Học tập tốt" được thể hiện trong những công trình sáng tạo trẻ, "Tình nguyện tốt" là các đóng góp và chia sẻ với quân và dân Trường Sa, "Thể lực tốt" nằm ở các Giải chạy "Vì Trường Sa thân yêu", "Hội nhập tốt" là sự góp sức của các đại biểu sinh viên ưu tú Việt Nam từ nước ngoài, còn "Ðạo đức tốt" nằm trong chính sự tiêu biểu của các bạn trẻ tham gia Hành trình.
"Tin tưởng rằng, sau hành trình, các đại biểu sẽ có thêm niềm tin, lòng tự hào, biết ơn và sự quyết tâm vượt khó, nỗ lực rèn luyện bản thân trước những tấm gương cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa. Từ đây, các bạn trẻ sẽ vươn tới những mục tiêu cao cả, lớn lao hơn, biết trăn trở, gắng sức biến kiến thức thành những công trình thiết thực để xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời chuyển hóa tình yêu với biển, đảo Tổ quốc thành những mối quan tâm chung, ngày càng rõ nét trong sinh viên cả nước", đồng chí Nguyễn Minh Triết chia sẻ.