Hạnh phúc ngày trở về

Sáng 31-8, tại tất cả các trại giam và trại tạm giam trên cả nước tiến hành làm thủ tục cho hơn 18.500 phạm nhân được đặc xá, trở về với gia đình. Hòa chung không khí buổi lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại các trại giam, chúng tôi cảm nhận được những hồi hộp, mong đợi, khát khao hoàn lương đến bỏng cháy của các phạm nhân; những thức tỉnh và hy vọng đang thắp lên trong những người vẫn còn ở lại...

Ông Mai Văn Lê, 73 tuổi, là phạm nhân cao tuổi nhất tại Trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) được đoàn tụ gia đình trong dịp đặc xá, tha tù trước thời hạn năm 2015.
Ông Mai Văn Lê, 73 tuổi, là phạm nhân cao tuổi nhất tại Trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) được đoàn tụ gia đình trong dịp đặc xá, tha tù trước thời hạn năm 2015.

Từ hơn 6 giờ sáng, hàng trăm gia đình có con, em, người thân được đặc xá dịp Quốc khánh 2-9 năm nay đã có mặt tại Trại tạm giam số 1 (Công an TP Hà Nội) để đón người thân trở về. Chị Ngô Thị Phượng, ở huyện Đông Anh cho biết: Chị lấy chồng chưa được nửa năm thì chồng chị đi tù. Hôm nay, chồng chị được tha tù trước thời hạn, cho nên cả gia đình chị đã thuê xe ô-tô chở hơn 20 người đến để đón anh. “Nhờ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, vợ chồng tôi được đoàn tụ sớm hơn hai năm, thật không biết nói gì hơn, tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện để chồng tôi cải tạo tốt, sớm đoàn tụ với gia đình” - Chị Phượng nghẹn ngào.

Đợt này, Trại tạm giam số 1 có 168 phạm nhân được giảm án, tha tù trước thời hạn. Những phạm nhân được đề xuất giảm án, tha tù đều là những người có quá trình cải tạo tốt. Phạm nhân Phan Thị Hà được giảm hết thời hạn án phạt tù trong dịp này, vui mừng phấn khởi bày tỏ niềm hạnh phúc, lòng biết ơn chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với những người từng có hành vi vi phạm pháp luật, sớm được trở về với gia đình, cộng đồng. Chị chia sẻ: Những ngày tháng sống và cải tạo, tôi nhận thức rõ việc sai trái từng làm. Từ sự chỉ bảo, khuyên nhủ hằng ngày của các cán bộ trại giam, tôi đã nỗ lực không ngừng, lao động tích cực, hoàn thành tốt lượng công việc được giao, thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các nội quy chấp hành án phạt tù và nội quy trại giam. Ngay giây phút này, tôi cảm thấy hồi hộp và sung sướng, niềm hạnh phúc được trở về đoàn tụ bên gia đình, xã hội và làm lại cuộc đời là một người công dân có ích cho xã hội.

Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, việc giảm án tha tù là thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những phạm nhân biết ăn năn, hối lỗi và có quá trình lao động, cải tạo tốt. Công an thành phố Hà Nội mong muốn mọi người sớm ổn định cuộc sống, tìm một việc làm ổn định, chấp hành tốt các quy định của địa phương, pháp luật của nhà nước, trở thành thành viên tốt cho gia đình, người công dân tốt cho đất nước, đóng góp một phần công sức trong công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.

Không được may mắn như hơn 100 người được đặc xá trong đợt này, phạm nhân Nguyễn Trung Quang, hiện đang thụ án 54 tháng tù giam chia sẻ: “Trong đợt đặc xá lần này, tôi chưa đủ điều kiện để được tha tù trước thời hạn. Bản thân tôi hoàn toàn tin tưởng và sẽ quyết tâm, nỗ lực rèn luyện cải tạo tốt để trong những đợt đặc xá sắp tới, tôi sẽ đủ tiêu chuẩn xét duyệt, sớm trở về cùng gia đình”.

Tại TP Hồ Chí Minh, chị Lê Thị Thúy Quỳnh (SN 1975) bật khóc nức nở khi nghe đọc tên mình trong danh sách được đặc xá lần này của Trại tạm giam Chí Hòa. “Vì một lúc không kìm được lòng tham mà tôi đã gây ra tội lỗi, phải trả giá bằng bản án năm năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sự ân hận, nỗi nhớ gia đình là động lực để tôi nỗ lực cải tạo từng ngày và được ra tù trước thời hạn hai năm 11 tháng” - Quỳnh tâm sự. Việc gì “Quỳnh ước ao được làm đầu tiên khi trở về?” - Chúng tôi hỏi. “Được ăn bữa cơm với cả gia đình, đây là mong ước suốt hai năm qua. Tôi sẽ không phụ lòng những người thân nữa. Tôi sẽ “đứng dậy” kể từ ngày hôm nay” - Quỳnh nói.

Nắm chặt tay một cán bộ trại giam, ông Nguyễn Văn Tuấn (chịu án phạt một năm sáu tháng tù về tội “đánh bạc”) không giấu nổi sự xúc động trước giây phút trở về với cuộc sống cộng đồng. Ông hứa sẽ làm lại cuộc đời, dù tóc đã điểm bạc, “ít nhất, tôi sẽ không để các con, các cháu phải thêm thất vọng” - Ông chia sẻ.

Ở cánh cổng trại giam, bà Nguyễn Thị Tám (ngụ huyện Bình Chánh) - mẹ phạm nhân trẻ tên Bình (19 tuổi, tội vô ý làm chết người) mừng mừng tủi tủi lao đến ôm chặt đứa con vừa được ân xá. Đôi tay chai sần của bà vuốt lên khuôn mặt sạm đen nhưng rắn rỏi của đứa con trai duy nhất rồi nấc lên từng hồi. Bà vuốt tóc con, ôm hôn con như ngày còn bé xíu. Chỉ vì một phút bốc đồng mà con trai bà đi xe máy phóng nhanh gây tai nạn làm chết người. Ngày con bị bắt, bà như chết lặng bởi tương lai của nó còn rất dài, con đường học hành còn dang dở. Bà bảo rằng, cả tháng qua, bà không ăn được, không ngủ được vì đợi chờ giây phút được đón con trai trở về. Rồi bà sẽ tìm việc làm, cưới vợ cho con để dẫu có nhắm mắt bà cũng được yên lòng.

Niềm vui của những người được đặc xá cũng là niềm khát khao của những phạm nhân chưa đủ điều kiện đặc xá. Phạm nhân Phạm Trung Hiếu (SN 1975, chịu án phạt năm năm tù) chia sẻ: Tôi sẽ an tâm cải tạo tốt, chấp hành nghiêm sự phân công của cán bộ quản giáo... để sớm có một ngày được đặc xá trong dịp tiếp theo.

Theo Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, trong tổng số 198 phạm nhân tại trại giam Chí Hòa được đặc xá lần này, có 13 phạm nhân nữ và 185 nam, đa số ở tuổi đời còn rất trẻ (18 - 20 tuổi). Hầu hết các phạm nhân này đều phạm tội cố ý gây thương tích, cướp giật, môi giới mại dâm... “Các anh, chị hãy biết trân trọng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước để tái hòa nhập cộng đồng. Các cán bộ không muốn gặp các phạm nhân ở đây lần nào nữa mà muốn gặp bên ngoài xã hội với tư cách là một công dân tốt, có ích cho xã hội”, Đại tá Nhàn nhắn nhủ đến các phạm nhân được đặc xá.

Trại giam số 3, thuộc Bộ Công an tại tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ công bố, trao quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho 205 phạm nhân có quá trình học tập, lao động cải tạo tiến bộ, được xếp loại cải tạo từ khá trở lên và đã chấp hành tốt các hình phạt bổ sung. Còn tại Trại giam số 6, trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, Ban Giám thị đã chọn ra 395 phạm nhân có đủ tiêu chuẩn để đề nghị đặc xá đợt này, trong tổng số gần 4.000 phạm nhân.

Hạnh phúc ngày trở về ảnh 1

Cán bộ Trại giam Công an tỉnh Nghệ An làm thủ tục ra trại cho các phạm nhân được đặc xá. Ảnh: HOÀNG LAM

Trong số phạm nhân được đặc xá đợt này, phạm nhân Lê Anh Mạnh, sinh năm 1989, quê phường Quán Bàu, TP Vinh đang thụ án tại phân trại K1, Trại giam số 6 về tội giết người. Kể về lần phạm tội, Mạnh cho biết, đó là những ngày giáp Tết năm 2012, Mạnh được bạn rủ đến nhà bạn gái chơi. Tại đây, giữa hai người có mâu thuẫn ghen tuông, bạn Mạnh bị một nhóm người xông vào đánh đập. Do bản tính bốc đồng, cho nên Mạnh đã xông vào đánh nhau và vô ý gây chết người. Mạnh tâm sự, những ngày trong tù là những ngày Mạnh mới có thời gian để suy nghĩ, nhìn nhận đầy đủ về hành động phạm tội của bản thân. Trong quá trình cải tạo tại Trại giam số 6, Mạnh luôn cố gắng hết sức. “Được làm lại cuộc đời em rất hạnh phúc. Em biết cơ hội còn nhiều để có thể phấn đấu trở thành công dân tốt” - Mạnh chia sẻ.

Tại Trạm giam Phú Sơn 4, thuộc Tổng cục 8 (Bộ Công an) đóng tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức công bố Quyết định đặc xá cho 475 phạm nhân. Dự lễ công bố, có đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo về đặc xá năm 2015.

Trong đợt đặc xá này, Trại giam Phú Sơn 4 có 475 phạm nhân được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Trại giam Phú Sơn 4 hiện đang quản lý hơn 5.000 phạm nhân, thực hiện công tác đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9, Trại giam Phú Sơn 4 đã tổ chức cho phạm nhân sinh hoạt, bình xét, giới thiệu phạm nhân có đủ điều kiện đặc xá, bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch. Qua thẩm tra, 100% hồ sơ đề nghị đặc xá của Trại giam Phú Sơn 4 đạt yêu cầu.

Phát biểu ý kiến tại lễ công bố, Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định, việc tổ chức đặc xá hằng năm thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, giúp những người phạm tội có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở lại hòa nhập cộng đồng. Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và người dân mở rộng vòng tay đón nhận những người lầm lỗi đã biết sửa sai, giúp họ có việc làm và hòa nhập xã hội.

Được biết, từ năm 2009 tới nay, cả nước có năm đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 82 nghìn người. Nhiều người trở về đã có nghề nghiệp, làm ăn chân chính, ổn định cuộc sống, nhiều người làm ăn thành đạt, trở thành nhà kinh doanh giỏi trên thương trường. Qua điều tra, số phạm nhân được đặc xá tái phạm không đáng kể. Qua đó đã chứng minh chính sách đặc xá tha tù trước thời hạn là phù hợp truyền thống nhân đạo của dân tộc, phù hợp lòng dân.

Bước ra khỏi cánh cửa trại giam, dù con đường của những phạm nhân được đặc xá có khác nhau, nhưng chúng tôi tin rằng, họ đều có chung khát khao phục thiện, ước mơ làm lại cuộc đời ở một trang mới tươi đẹp hơn.