Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ðặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề khí hậu G.Ke-ri gần đây đã có các cuộc họp với Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn, cùng các bộ trưởng của "xứ sở sương mù" và Chủ tịch Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) A.Sa-ma. Sau cuộc họp, các bên đã ra tuyên bố chung khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm giảm mức xả thải và kêu gọi tất cả các nước, nhất là các nền kinh tế lớn của thế giới, chung tay hành động chống biến đổi khí hậu. Tuyên bố nhấn mạnh, Mỹ và Anh cam kết đạt được mục tiêu mức xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Oa-sinh-tơn và Luân Ðôn cũng khẳng định sẽ gia tăng tài chính và đầu tư tư nhân cho công tác giảm nhẹ và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Những bước đi nhằm chống biến đổi khí hậu của Mỹ và Anh được dư luận đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh Hội nghị COP26 sắp diễn ra vào cuối năm 2021. Ðặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề khí hậu G.Ke-ri đánh giá, Hội nghị COP26 là cơ hội tốt nhất cuối cùng để thế giới tập hợp lại và thúc đẩy Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu. Với vai trò chủ nhà của Hội nghị COP26, Anh đang nỗ lực chứng minh vị thế của một nước Anh toàn cầu thời kỳ hậu Brexit thông qua việc thúc đẩy nỗ lực chung toàn cầu nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Còn đối với Mỹ, đây là thời điểm để Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn thực hiện những lời hứa trước đó với cử tri về vấn đề khí hậu. Một tháng sau khi Tổng thống G.Bai-đơn nhậm chức, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chính thức trở lại Thỏa thuận Pa-ri năm 2015 về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, dù Mỹ đã trở lại với nỗ lực chung toàn cầu thì giới chuyên gia vẫn cảnh báo, chặng đường hoàn thành các mục tiêu về khí hậu mà các nước đề ra còn nhiều gian nan. Thư ký điều hành về biến đổi khí hậu của LHQ nhận định, dù hầu hết các quốc gia đang từng bước tăng các mức mục tiêu về khí hậu, nhưng tác động tổng thể của những nỗ lực này chỉ dừng lại ở mức tới năm 2030 giảm được 1% phát thải so với hồi năm 2010.
Trong lần trở lại này với Thỏa thuận Pa-ri, Mỹ, quốc gia có lượng khí phát thải CO2 lớn thứ hai thế giới, được kỳ vọng sẽ có những kế hoạch cứng rắn hơn về khí hậu. Ðể thực hiện các cam kết đưa nước Mỹ trở lại quỹ đạo chung của toàn cầu, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã có một loạt động thái tích cực, như ký các sắc lệnh hành pháp nhằm giảm khai thác và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là các chính sách phát triển năng lượng tái tạo; cam kết đến năm 2030 tăng gấp hai lần sản lượng điện gió ngoài khơi… Bản hướng dẫn chiến lược trung hạn về an ninh quốc gia được Nhà trắng công bố mới đây nhấn mạnh, Mỹ sẽ hỗ trợ các nước khác giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và hỗ trợ nhân đạo cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Bản hướng dẫn nêu rõ, nếu chúng ta không hành động ngay lập tức thì sẽ bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để tránh được những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra đối với sức khỏe con người, kinh tế và an ninh. Nhiều quốc gia và tổ chức bày tỏ mong muốn hợp tác với Mỹ để thúc đẩy lộ trình thực hiện các mục tiêu khí hậu.
Thời gian qua, nền nhiệt Trái Ðất nóng lên khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, các nước vẫn cần phải dành nguồn lực để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu, vì một "tương lai xanh" của toàn nhân loại.