Hành động sớm để thích ứng quy định mới liên quan nông, lâm sản

Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố việc Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu cùng thống nhất bỏ phiếu thông qua Quy định chống mất rừng (EUDR), có hiệu lực từ ngày 29/6/2023. Theo đó, EC cấm lưu thông các sản phẩm hàng hóa gây mất rừng và suy thoái rừng tại thị trường khu vực này. Việt Nam là một trong những quốc gia có hàng hóa nông sản xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) đang phải chịu “áp lực” rất lớn của quy định này…
0:00 / 0:00
0:00
Cao-su, một trong các sản phẩm hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Cao-su, một trong các sản phẩm hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Sau nhiều năm nghiên cứu soạn thảo và trải qua quá trình phê duyệt kéo dài, EU đã ban hành Quy định số 2023/1115 về việc xuất nhập khẩu một số mặt hàng nông-lâm sản có nguy cơ làm mất rừng và gây suy thoái rừng, hay còn gọi tắt là Quy định Chống mất rừng của châu Âu (EU Deforestation Regulation - EUDR). Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 29/6/2023.

Theo EU, việc chặt phá và làm suy giảm chất lượng rừng đang diễn ra với tốc độ đáng báo động trên toàn thế giới. Mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp là động lực chính, là nguyên nhân làm mất 90% trong tổng số diện tích rừng bị mất trên toàn cầu.

Theo ước tính của EU, thị trường khối này nhập khẩu và tiêu thụ tới 1/3 lượng hàng hóa mậu dịch toàn cầu liên quan đến mất rừng. Ý thức được điều này, EU ban hành EUDR với mục tiêu giảm thiểu sự “đóng góp” của khối này vào quá trình mất rừng toàn cầu, đồng thời hạn chế phát thải khí nhà kính và suy thoái đa dạng sinh học, thông qua việc cấm nhập khẩu các mặt hàng nông-lâm sản liên quan tới mất rừng vào EU. Phạm vi áp dụng EUDR điều chỉnh 7 nhóm hàng nông-lâm sản có rủi ro cao về làm mất rừng, bao gồm dầu cọ, đậu nành, gỗ, ca-cao, cà-phê, gia súc và cao-su.

Ngoài các mặt hàng này, các sản phẩm dẫn xuất được sản xuất, chế biến từ các mặt hàng này như da thuộc, hóa chất làm từ dầu cọ, bột giấy và giấy, các loại ván gỗ nhân tạo, đồ nội thất và các sản phẩm gỗ khác cũng chịu sự điều chỉnh của EUDR.

Theo quy định EUDR, các doanh nghiệp của EU nhập khẩu một trong các loại hàng hóa nói trên vào thị trường EU cần đáp ứng yêu cầu về quản lý chặt chẽ rủi ro trong chuỗi cung ứng. Ðể chứng minh sản phẩm thỏa mãn cả hai điều kiện không gây mất rừng và hợp pháp, trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông tại thị trường EU, doanh nghiệp xuất khẩu cần nộp bản cam kết thẩm định chuỗi cung và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ thông tin trong cam kết này. Ðể cung cấp thông tin trong cam kết, doanh nghiệp cần thực hiện các bước, thu thập thông tin, đánh giá rủi ro, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ báo cáo khi cần.

Theo đó, riêng bước thu thập thông tin, doanh nghiệp cần thu thập các dữ liệu liên quan đến sản phẩm sản xuất trên các diện tích đất không liên quan tới mất rừng hoặc suy thoái rừng, tính từ thời điểm 31/12/2020 về sau. Các sản phẩm phải hợp pháp. Quá trình sản xuất ra sản phẩm tuân thủ toàn bộ các yêu cầu liên quan của quốc gia sản xuất. EUDR cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo công khai hằng năm về hệ thống việc giải trình và các công việc đã làm để hoàn thành trách nhiệm này. Theo EUDR mức độ kiểm soát hàng hóa nhập khẩu được thực hiện dựa trên kết quả phân loại rủi ro với quốc gia, vùng sản xuất cung ứng các sản phẩm cho EU.

Dẫn nguồn số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Việt Nam, tổ chức Forest Trends đã tính toán, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU gần 3 tỷ USD giá trị nguyên liệu và sản phẩm làm từ cà-phê, gỗ và cao-su. Cụ thể, trong năm này xuất khẩu cà-phê từ Việt Nam sang EU đạt hơn 1,5 tỷ USD, xuất khẩu cao-su đạt hơn 580 triệu USD, và gỗ đạt gần 700 triệu USD. Với quy mô xuất khẩu nói trên, thực thi EUDR có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ba ngành hàng này của Việt Nam trong thời gian tới.

Yêu cầu của EUDR sẽ được các nhà nhập khẩu EU chuyển tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam; doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục chuyển yêu cầu này tới các bên trực tiếp tham gia chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cơ sở chế biến, đại lý thu mua và nông hộ sản xuất. Hiện chuỗi cung của cả ba ngành này có sự tham gia của hàng triệu nông hộ (hộ tiểu điền) vào khâu sản xuất và cung ứng.

Chuỗi cung ứng thường dài về thời gian, phức tạp vì đội ngũ tư thương đông đảo phụ trách khâu thu mua nguyên liệu từ các hộ gia đình. Cơ chế kiểm tra, giám sát giao dịch giữa hộ và tư thương chưa chặt chẽ. Ðiều này làm cho việc truy xuất nguồn gốc khó khăn. Ngoài ra, một số hộ hiện còn thiếu giấy chứng nhận sử dụng đất chứng minh là chủ thể hợp pháp của thửa đất canh tác của mình, do vậy sẽ tạo ra rủi ro về pháp lý cho hàng hóa.

Hành động sớm để thích ứng quy định mới liên quan nông, lâm sản ảnh 1

Các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU phải có xuất xứ hợp pháp.

Ðể đáp ứng các yêu cầu của EUDR, các chuyên gia phân tích, hiện ba loại sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam (cao-su, cà-phê, sản phẩm gỗ) đang có rất nhiều ràng buộc cần tháo gỡ, đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực về cơ chế chính sách và tài chính để đáp ứng kịp thời…

Về gỗ rừng trồng, cả nước có 3,5 triệu ha rừng sản xuất, tập trung chủ yếu tại các vùng Ðông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung. Trong tổng số 14,74 triệu ha rừng hiện có, tính đến nay cả nước mới có gần 500.000 ha được cấp chứng nhận FSC (Chứng chỉ rừng bền vững quốc tế) và VFCS (Chứng chỉ rừng bền vững của Việt Nam).

Về mặt hàng cao-su, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao-su Việt Nam Võ Hoàng An cho biết, đối với ngành cao-su, rủi ro với quy định của EUDR là không quá lo ngại, nhất là từ năm 2017, Việt Nam đã có những quy định về chuyển đổi đất rừng. Những nhà sản xuất cao-su đại điền và doanh nghiệp tư nhân cũng rất quan tâm thực hiện tiêu chí bền vững theo chứng chỉ FSC. Tuy vậy, Việt Nam và EU cần thống nhất lại quy định về chống mất rừng. Theo đó, với các chứng nhận sản xuất bền vững mà doanh nghiệp đã có, cần có sự thống nhất và công nhận lẫn nhau.

Hiện nay, với quy định EUDR, pháp lý sử dụng đất của tiểu điền sẽ khó khăn khi nông dân sản xuất manh mún. Ðiều này cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, sự hợp lý hóa trong sử dụng đất đai của nông dân. Các hộ nông dân và chính quyền địa phương cùng vào cuộc để bảo đảm truy xuất nguồn gốc với nguồn nguyên liệu cao-su tiểu điền cũng như có phương án hỗ trợ sinh kế của nông dân nếu như họ phải chuyển đổi sang sản xuất khác khi EU không chấp nhận sản phẩm xuất khẩu của họ.

Với ngành hàng cà-phê, Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê - Ca-cao Việt Nam Nguyễn Nam Hải cho biết, Việt Nam có khoảng 700.000 ha cà-phê, nhưng chỉ có 30.000 ha là thuộc các công ty nhà nước. Trong khi đó, cà-phê được trồng không tập trung như cao-su, chủ yếu là nông hộ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn. Do vậy, phải xác định thời điểm 31/12/2020 có diện tích trồng cà-phê trên đất rừng hay không, nếu có thì chủ động xử lý triệt để. Việc truy xuất nguồn gốc tại vườn phải có hợp tác công tư (PPP), đặc biệt là sự hỗ trợ của doanh nghiệp, bởi chi phí thực hiện sẽ rất cao.

Việt Nam cùng các quốc gia trên thế giới đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Ðể đạt mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng các chương trình cụ thể, chia thành nhiều giai đoạn nhằm triển khai đồng đều và toàn diện trên khắp cả nước.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Minh Hoan tại Hội nghị COP26

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho Quy định chống phá rừng của EU cũng đang được các hiệp hội, ngành nông nghiệp gấp rút thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp với EU và ban hành khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR. Kế hoạch này nhấn mạnh vào các khía cạnh như tăng cường giám sát các vùng rủi ro cao, chủ động trao đổi với EU, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, rà soát bản đồ thực địa, nâng cao nhận thức...

Ðến nay, nhiều tỉnh đã ban hành kế hoạch phối hợp chặt chẽ, triển khai hoạt động liên kết giữa cơ quan quản lý và các hiệp hội ngành hàng, tuyên truyền, phổ cập thông tin cho các bên liên quan nhằm khuyến khích sự tuân thủ với các yêu cầu của EUDR. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, những tháng gần đây thị trường đã có những dấu hiệu tích cực.

Ðể đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và lâm sản sang EU trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định luật pháp về bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, trong đó, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2020/NÐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Cà-phê, gỗ và cao-su là ba nhóm mặt hàng quan trọng đang được các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên. Các diện tích mới chuyển đổi từ các diện tích rừng tự nhiên sang rừng trồng, cà-phê, cao-su chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Ðối chiếu với quy định của EUDR, nhìn chung ba ngành hàng này ít có nguy cơ bị xếp vào nhóm rủi ro do diện tích sản xuất đã ổn định từ trước năm 2020.

Giám đốc điều hành chương trình chính sách, thương mại và tài chính tổ chức Forest Trends Việt Nam, Tô Xuân Phúc

Tuy vậy, chứng minh điều này trên thực tế lại đối mặt nhiều thách thức do thiếu bằng chứng pháp lý cần thiết. Chính phủ và các cơ quan quản lý cần gấp rút nghiên cứu, cập nhật các thông tin để chia sẻ với các bên liên quan như hiệp hội, doanh nghiệp và phía EU, nhằm chủ động xây dựng và ban hành các chính sách quản lý, điều hành, kiểm soát phù hợp. Chính phủ cần giao cho bộ, ngành liên quan rà soát chuỗi cung ứng của các ngành hàng gỗ, cà-phê, cao-su để đánh giá rủi ro và khả năng đáp ứng của người sản xuất và doanh nghiệp với yêu cầu của quy định EUDR nhằm tránh gây thiệt hại và rủi ro cho các sản phẩm hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường EU.