Hành động khẩn cấp giải bài toán di cư ở châu Âu

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, năm 2021, hơn 3.000 người đã chết hoặc mất tích ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương trong hành trình di cư bất hợp pháp đến châu Âu. Thực tế này đòi hỏi các quốc gia cần có hành động khẩn cấp để giải quyết bài toán di cư hóc búa, vốn đã và đang đe dọa đến tình hình an ninh, ổn định của châu Âu.

Số lượng người di cư vượt biển đến Anh tăng mạnh. (Ảnh: Getty Images)
Số lượng người di cư vượt biển đến Anh tăng mạnh. (Ảnh: Getty Images)

Báo cáo của UNHCR cho biết, trong năm 2021, có 3.077 người chết khi tìm cách vượt Địa Trung Hải và Đại Tây Dương để tới châu Âu, cao gấp hai lần so với năm 2020. Trong đó có hơn 1.920 người chết hoặc mất tích trên các tuyến di cư ở Trung và Tây Địa Trung Hải, trong khi có hơn 1.150 người khác mất mạng trên tuyến đường biển từ Bắc Phi tới quần đảo Canary. Hầu hết các trường hợp chết hoặc mất tích là do tàu thuyền chở người di cư quá tải hoặc cũ nát, khiến tàu chìm. Thống kê cũng cho thấy, số người di cư vượt biển đến Anh tăng mạnh. Kể từ đầu năm 2022, ước tính có gần 6.950 người di cư vượt biển đến Anh bằng thuyền nhỏ, cao gấp hơn ba lần con số được ghi nhận vào cùng thời điểm này năm 2021 và hơn sáu lần so với con số cùng kỳ năm 2020.

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 và việc các nước đóng cửa biên giới đã khiến hoạt động di cư trở nên khó khăn hơn. Điều này khiến người di cư phải tìm kiếm những đường dây đưa người vượt biên trái phép, đẩy số phận họ trước tình trạng rủi ro, nguy hiểm ở mức độ cao hơn. Hiện các nhóm buôn người ngày càng tìm ra nhiều mánh khóe để đưa người di cư vào châu Âu trái phép. Theo hãng tin AP, một cách thức đang được các nhóm buôn người sử dụng gần đây là đưa người di cư lên những du thuyền hạng sang và di chuyển trên những tuyến đường ít bị chú ý hơn. UNHCR kêu gọi các nước châu Âu dành sự quan tâm thỏa đáng cho những nhóm người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, tình trạng “lục đục” giữa các quốc gia châu Âu về hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn vẫn tiếp diễn. Cùng với đó, sự gia tăng hoạt động của những nhóm buôn người với muôn hình vạn trạng mánh khóe càng làm bài toán di cư thêm hóc búa.

Vòng xoáy của xung đột, nghèo đói nơi quê nhà là nguyên nhân chính khiến những người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi sẵn sàng mạo hiểm tính mạng để dấn bước trên hành trình hiểm nguy. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo, giá lương thực và năng lượng tăng cao do tình hình căng thẳng tại Ukraine có thể dẫn tới tình trạng bạo loạn xã hội ở châu Phi. IMF nhấn mạnh, xung đột ở Ukraine đẩy giá năng lượng và lương thực tăng mạnh, hủy hoại an ninh lương thực trong khu vực, làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo, bất công về thu nhập và dẫn tới bạo loạn xã hội. Điều này dẫn đến những lo ngại về tình trạng dòng người di cư từ châu Phi đến châu Âu sẽ gia tăng trong thời gian tới, khi mà sự ổn định ở châu Âu luôn gắn liền với an ninh, hòa bình ở châu Phi.

Trước tình trạng số người di cư thiệt mạng trên hành trình đến châu Âu gia tăng ở mức báo động, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thúc giục các nước cần có hành động cụ thể để giảm bớt thiệt hại về người, thông qua việc chủ động tìm kiếm và giải cứu người di cư. Cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân các nước châu Phi cũng là nhiệm vụ cấp bách. Giải bài toán di cư không phải vấn đề của riêng một quốc gia hay một khu vực nào mà đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của cộng đồng quốc tế.