Hàn Quốc: “Tự chủ kinh tế” trong cấu trúc an ninh khu vực

NDĐT- Hàn Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á (sau Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ) và thứ 13 của thế giới. Phát triển FTA được Hàn Quốc coi là động lực then chốt cho chiến lược giảm bớt những tác động xấu của sự phụ thuộc về kinh tế, đồng thời giúp Hàn Quốc phát triển sự “tự chủ về kinh tế”. FTA cũng là tác nhân giúp ràng buộc lẫn nhau về kinh tế để giảm thiểu những nguy cơ xung đột an ninh, nhất là đối với các cường quốc khác về thể chế chính trị.

Gắn kết hơn với đồng minh truyền thống

Giới phân tích cho rằng, Hàn Quốc muốn thông qua FTA với đồng minh, nhất là Mỹ để tăng cường mối liên kết về mặt an ninh, đồng thời giúp Hàn Quốc có được sự ưu tiên của Mỹ trong việc tiếp cận thị trường và công nghệ quân sự. Bản thân Mỹ cũng luôn xem sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế như một cách tăng cường đồng minh quân sự và FTA của Mỹ luôn gắn với các điều kiện an ninh và an ninh hóa dưới danh nghĩa “chống khủng bố”. Hàn Quốc thậm chí chấp nhận một số “thiệt thòi” trong FTA với Mỹ để đổi lấy những lợi ích an ninh vì luôn có những khoản “chi phí chìm” cao hơn cho những nước có chiến lược an ninh quốc gia được xây dựng dựa trên quan hệ đồng minh với Mỹ. Vì thế, FTA KORUS có ý nghĩa quan trọng hơn một hợp tác kinh tế đơn thuần giữa hai đồng minh, nhất là trong việc giúp Mỹ và Hàn Quốc hợp tác kiềm chế các nước có tham vọng khu vực.

Ngoài ra, thông qua chiến lược phát triển FTA, Hàn Quốc muốn kêu gọi các quốc gia yếu hơn trong khu vực thắt chặt các mối quan hệ, để hướng tới các lợi ích chung cả về kinh tế và an ninh.

Với mục tiêu nêu trên, Hàn Quốc đã mạnh mẽ triển khai FTA tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong suốt thập kỷ qua. Theo ước tính, Hàn Quốc là quốc gia đàm phán năng động nhất của thế giới với hơn 40 hiệp định tại nhiều thời điểm khác nhau đã được hoàn thành. Từ năm 2004, Hàn Quốc đã thông qua FTAs với Chile, Singapo, EU và ASEAN, đang đàm phán với Canada, Ấn Độ, Mexico, New Zealand.

Đối với FTA Mỹ - Hàn Quốc, đàm phán diễn ra nhanh chóng và một hiệp định đã được ký kết vào năm 2007. Đầu năm 2008, Hàn Quốc tuyên bố bãi bỏ những hạn chế về việc nhập khẩu thịt bò Mỹ, vì đây là trở ngại cuối cùng cho việc thông qua FTA.

Thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN

Hàn Quốc đã tập trung vào Đông - Nam Á với vai trò trọng tâm của ASEAN, vì thế Hàn Quốc dường như muốn xây dựng vai trò lớn hơn trong khu vực khi theo đuổi xây dựng Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương (APC). Cả hai cơ chế này đều hướng tới một trật tự an ninh khu vực với Mỹ là nhân tố lãnh đạo.

Hàn Quốc coi ASEAN là ưu tiên ngoại giao trong khu vực vì: ASEAN là trung tâm của các diễn đàn quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong khu vực, đặc biệt trên lĩnh vực an ninh (ARF, EAS). Đặc điểm của Hàn Quốc và ASEAN thuận lợi cho Hàn Quốc phát triển quan hệ với Đông Nam Á. Hàn Quốc có một số mục tiêu trong việc tăng cường quan hệ với ASEAN như: (1) Coi ASEAN là trung tâm trong các diễn đàn lớn của khu vực, nên Hàn Quốc muốn tranh thủ tăng cường quan hệ với ASEAN để có thể cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á với các nước lớn. (2) Hàn Quốc muốn tranh thủ ASEAN trong các diễn đàn an ninh khu vực để tác động đến vấn đề Bắc Triều Tiên, nhất là khi cơ chế “Đàm phán 6 bên”.

Tháng 3-2009, Hàn Quốc đưa ra sáng kiến “Chính sách ngoại giao châu Á mới” nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với các cường quốc khu vực Đông - Nam Á. Thông qua sáng kiến này, Hàn Quốc muốn mở rộng sự hỗ trợ phát triển cho mục đích tăng cường hợp tác kinh tế với ASEAN, đồng thời tăng cường hợp tác về các vấn đề toàn cầu khác. Tuy Hàn Quốc vẫn đi sau một số nước lớn song “Sáng kiến châu Á mới” được cho là sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thực sự của viện trợ Hàn Quốc cho ASEAN, cung cấp 400 triệu USD mỗi năm cho ASEAN cho tới năm 2015.

Điểm nhấn trong mối quan hệ của Hàn Quốc - ASEAN là việc Hàn Quốc làm chủ nhà tổ chức một “hội nghị đặc biệt” kỷ niệm lần 20 năm các mối quan hệ chính thức của Hàn Quốc với ASEAN với sự tham dự của Tổng thống Lee Myung-bak và các nhà lãnh đạo của cả 10 quốc gia ASEAN. Lấy khẩu hiệu “hợp tác tin cậy, tình bạn tốt đẹp”, hội nghị này được cho là một sự kiện hiếm hoi mà ASEAN thực hiện một cuộc họp bên ngoài Đông Nam Á. Hội nghị Jeju năm 2009 đã nâng tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc ở Đông Nam Á lên ngang hàng với hai nước láng giềng lớn tại Đông Bắc Á là Trung Quốc và Nhật Bản.

Năm 2009, cũng trong khuôn khổ ASEAN+3, Hàn Quốc tham gia “Sáng kiến Chiang Mai” (CMI), trong đó các bên chuyển từ hình thức các hiệp định song phương sang các cam kết và đóng góp đa phương cho một quỹ đối phó khủng hoảng chung, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản mỗi nước góp 32% của tổng số quỹ 120 tỷ USD, Hàn Quốc góp 16% và ASEAN góp 20%.

Như vậy, tổng số đóng góp của Hàn Quốc và ASEAN đã vượt qua hai nước lớn khu vực. Dù tới nay, khả năng vận hành của CMI trong suốt cuộc khủng hoảng vẫn chưa được kiểm chứng song CMI cũng đã cho thấy một nét mới trong sự phát triển của những cơ chế đối phó khủng hoảng trong khu vực, trong đó sự tham gia của Hàn Quốc đã làm tăng nhân tố về dân chủ cho quá trình đưa ra các quyết định bằng việc hợp tác chiến lược với ASEAN, làm tăng tính pháp lý của cơ chế ASEAN+3.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 ở Phnom Penh (Campuchia) ngày 19-11 vừa qua, Hàn Quốc cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN thực hiện Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn 2013-2017 với khoản hỗ trợ 10 triệu USD. Các nhà Lãnh đạo hai bên cũng nhất trí lấy năm 2014 là “Năm Giao lưu ASEAN-Hàn Quốc”.

Như vậy, với nhận thức về xu thế phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, động thái chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ và sự quan tâm của các nước lớn đối với khu vực đã khiến không chỉ Australia mà cả Hàn Quốc cũng muốn thể hiện vai trò “tầm trung” của mình trong cấu trúc an ninh khu vực và tự chủ kinh tế đã được coi là nhân tố bảo đảm để Hàn Quốc xác lập vị thế của mình trong khu vực đầy tiềm năng này.

Có thể bạn quan tâm