Theo chính sách mới, mỗi trẻ chào đời tại thủ đô Seoul từ ngày 1/1/2022 trở đi, đã có số căn cước công dân, sẽ nhận "chiếc vé chào đời" trị giá 2 triệu won (1.676 USD).
Người giám hộ hoặc người đại diện của trẻ sơ sinh có thể đăng ký nhận tiền hỗ trợ tại các trung tâm hỗ trợ hành chính quận, huyện, phường, xã, nơi đăng ký chứng minh thư cho trẻ hoặc truy cập vào trang chủ về phúc lợi của chính phủ.
Số tiền trợ cấp sẽ được chuyển vào thẻ nhận hỗ trợ của sản phụ có con nhỏ bắt đầu từ ngày 1/4.
Khoản trợ cấp này có hiệu lực trong vòng một năm kể từ khi trẻ ra đời và người mang thẻ được phép sử dụng ở tất cả các cơ sở kinh doanh, trừ loại hình không liên quan đến chăm sóc trẻ em như cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng.
Chính quyền thủ đô Seoul cũng tăng độ tuổi được nhận trợ cấp trẻ em 100 nghìn won (83,84 USD) mỗi tháng từ mức dưới 7 tuổi thành dưới 8 tuổi.
Bắt đầu năm 2022, tất cả em nhỏ dưới 8 tuổi tính đến tháng 1/2022, tức sinh sau ngày 1/2/2014, có thể được nhận trợ cấp trẻ em cho tới trước sinh nhật tròn 8 tuổi. Số tiền trợ cấp trẻ em được chi dưới hình thức tiền mặt qua tài khoản và được chi trả vào ngày 25 hằng tháng từ sau ngày 25/4.
Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) đã đưa ra cảnh báo tỷ lệ sinh thấp, già hóa dân số của Hàn Quốc đang ở mức có thể đe dọa tới sự tồn vong của hệ thống kinh tế, xã hội.
Trong báo cáo về rủi ro cơ cấu của biến đổi dân số và chiến lược đối phó, KDI cho biết tỷ lệ sinh bình quân của phụ nữ Hàn Quốc (số con bình quân/một phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ) đã giảm ba năm liên tiếp và ở mức dưới 1 trẻ, từ 0,98 trẻ năm 2018 xuống 0,92 trẻ năm 2019 và 0,84 trẻ năm 2020. Tổng số trẻ sơ sinh chào đời trong năm 2020 là 272 nghìn trẻ, bằng 62,1% mức sinh của năm 2015.
Chuyên gia thuộc viện KDI khuyến nghị Chính phủ Hàn Quốc cần lập hệ thống xúc tiến chính sách dân số riêng, tách khỏi chính sách phúc lợi hiện nay đang đặt trọng tâm vào các đối tượng trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi.
Trong thời gian tới, tỷ lệ già hóa dân số sẽ tiếp tục tăng mạnh, được dự báo sẽ tăng từ 16% năm 2020 lên 25% năm 2030, 34% năm 2040, 44% năm 2060.
Do đó, Chính phủ cần tiếp cận với chiến lược dài hạn, đối phó kịp thời, nâng ngân sách hỗ trợ các gia đình lên tương đương mức bình quân ở các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).