Hàn Quốc mở rộng tiêm liều Covid-19 tăng cường thứ hai cho người trên 60 tuổi

NDO -

Bộ Y tế Hàn Quốc sáng 13/4 thông báo, nước này sẽ mở rộng đối tượng được tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 tăng cường thứ hai cho người trên 60 tuổi, thay vì chỉ giới hạn trong các nhóm có nguy cơ cao như trước đây.

Người cao tuổi Hàn Quốc tiêm vaccine Pfizer-BioNTech phòng Covid-19 tại 1 trung tâm tiêm chủng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)
Người cao tuổi Hàn Quốc tiêm vaccine Pfizer-BioNTech phòng Covid-19 tại 1 trung tâm tiêm chủng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại 1 cuộc họp báo sáng nay, Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết tỷ lệ nhiễm bệnh trong nhóm dân số trên 60 tuổi tiếp tục tăng cao ở mức trên 20%.

Trước đó, Hàn Quốc đã triển khai tiêm mũi tăng cường thứ hai cho các nhóm có nguy cơ cao mắc Covid-19, bao gồm người cao tuổi ở viện dưỡng lão và những người có hệ miễn dịch suy yếu, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm do biến chủng Omicron gây nên khiến số ca mắc và tử vong tăng cao kỷ lục trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, làn sóng Omicron tại Hàn Quốc đã đạt đỉnh, với số ca lây nhiễm hằng ngày giảm mạnh xuống còn 1/3 so mức cao kỷ lục hơn 600 nghìn ca hồi giữa tháng 3 vừa qua.

Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 195.419 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh từ khi đại dịch bùng phát lên 15.830.644 ca, trong đó có hơn 20.034 trường hợp tử vong vì Covid-19.

Theo số liệu từ Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), cho đến nay, có 316.608 người đã được tiêm mũi tăng cường thứ hai, trong khi khoảng 33 triệu người - chiếm 64,2% tổng dân số - được tiêm mũi tăng cường đầu tiên.

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm tiếp tục xu hướng giảm, Chính phủ Hàn Quốc đã dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch để trở lại trạng thái bình thường.

Theo Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol, chính phủ sẽ công bố thêm những điều chỉnh giãn cách xã hội vào cuối tuần này.

Nước này đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ đầu tháng 4, trong đó cho phép các quán ăn và các cơ sở kinh doanh khác được mở cửa đến nửa đêm, đồng thời nâng giới hạn số người được tập trung trong các cuộc nhóm họp riêng lên 10 người.

Trong khi đó, ở nước láng giềng Trung Quốc, chính quyền các cấp ở quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang áp dụng nhiều biện pháp tổng thể, nhằm đẩy nhanh tiêm phòng Covid-19 cho người cao tuổi, trước sự lây lan mạnh của biến thể Omicron và những nguy cơ của dịch bệnh đối với sức khỏe nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.

Hàn Quốc mở rộng tiêm liều vaccine phòng Covid-19 tăng cường thứ hai cho người trên 60 tuổi -0

Người cao tuổi được đo huyết áp trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19 ở thành phố Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo Tân Hoa Xã, các biện pháp trên gồm những nỗ lực để xóa tan nghi ngờ của người cao tuổi về việc tiêm chủng, nâng cao nhận thức về hiệu quả của vaccine, và hỗ trợ những người bị hạn chế khả năng vận động trong tiêm chủng.

Số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, hơn 1,24 tỷ người tại Trung Quốc đại lục đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 5/4, chiếm hơn 90% dân số.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi thấp hơn so với tỷ lệ trung bình các nhóm tuổi khác. Thí dụ, ở tỉnh Quảng Đông, tỷ lệ này chỉ đạt trên 70%.

Đợt bùng phát mới đây ở Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đã chỉ ra những rủi ro mà người cao tuổi phải đối mặt khi 1 đợt bùng phát nghiêm trọng xảy ra.

Trong làn sóng lây nhiễm thứ năm ở Hồng Kông, khoảng 95% trường hợp tử vong xảy ra ở những người từ 60 tuổi trở lên. Trong số này, hơn 70% chưa được tiêm chủng.

Trong khi đó, tại tâm dịch Thượng Hải, giới chức thành phố đã bắt đầu thực hiện các bước nhằm nới lỏng lệnh phong tỏa, với việc người dân ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp được phép ra khỏi nhà từ ngày 12/4, lần đầu tiên sau hơn 2 tuần phong tỏa.

Chính quyền thành phố Thượng Hải trước đó cho biết, hơn 7.000 khu vực là nơi sinh sống của khoảng 4,8 triệu người đã được xếp vào mức có nguy cơ lây nhiễm thấp, sau khi không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 14 ngày qua. Người dân ở một số khu vực kể trên đã bắt đầu được ra khỏi nhà theo thông báo từ chính quyền sở tại.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày tại Thượng Hải có khả năng vẫn cao trong vài ngày tới, đặc biệt là lây nhiễm trong cộng đồng vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả.

Trong ngày 11/4, tổng số ca không có triệu chứng mới ở Thượng Hải đã giảm 11% so với 1 ngày trước đó xuống 22.348 ca, trong khi số ca có triệu chứng được xác nhận đã tăng từ 914 ca lên 994 ca. Con số này tiếp tục tăng lên 1.189 ca trong ngày 12/4, chiếm phần lớn trong tổng 1.500 ca mắc mới có triệu chứng ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong 24 giờ qua.

Trên phạm vi toàn cầu, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 13/4, tổng số ca Covid-19 toàn thế giới đã vượt mốc 500 triệu ca.

Hàn Quốc mở rộng tiêm liều vaccine phòng Covid-19 tăng cường thứ hai cho người trên 60 tuổi -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Theo đó, số ca mắc Covid-19 toàn cầu kể từ khi đại dịch bùng phát đã lên đến 501.164.774 ca, trong đó có 6.209.664 ca tử vong. Số ca hồi phục hồi là 451,2 triệu ca, trong khi vẫn còn 43 nghìn bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt.

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới với trên 82,1 triệu ca mắc và hơn 1 triệu ca tử vong. Cả 2 con số này đều cao nhất thế giới, và đều chiếm hơn 16% các ca mắc và tử vong toàn cầu.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), dòng phụ BA.2 của biến chủng Omicron, hay còn gọi là “Omicron tàng hình” hiện đã chiếm gần 86% số ca mắc Covid-19 ở nước này, trong đó ở vùng đông bắc, tỷ lệ này lên tới hơn 90%.

Các ca nhiễm mới đã gia tăng trở lại trong vài tuần qua, đặc biệt là ở các bang vùng đông bắc Mỹ như New York, Connecticut và Massachusetts, mặc dù các ca nhiễm chung trên toàn quốc đã giảm mạnh kể từ khi đạt mức kỷ lục vào tháng 1 đầu năm nay.

CDC cho biết, mức lây nhiễm trung bình trong khoảng thời gian 7 ngày là 28.339 ca tính trong tuần kết thúc vào ngày 9/4, tăng gần 10% so với 1 tuần trước đó, trong đó BA.2 chiếm 85,9% tổng số ca nhiễm.

Trong tuần kết thúc vào ngày 2/4, BA.2 mới chiếm 75,4% các biến thể của virus SARS-CoV-2 lưu hành tại Mỹ, tăng so với ước tính trước đó là 72,2%.

Sự bùng phát trở lại ở các khu vực của châu Á và châu Âu đã làm dấy lên lo ngại rằng 1 làn sóng tương tự có thể xảy ra ở Mỹ.

Trước bối cảnh này, chính quyền thành phố Philadelphia ở bang Pennsylvania đã quyết định sẽ áp dụng trở lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín từ ngày 18/4, đánh dấu đây là thành phố lớn đầu tiên của Mỹ tái áp dụng trở lại biện pháp phòng dịch này.

Hàn Quốc mở rộng tiêm liều vaccine phòng Covid-19 tăng cường thứ hai cho người trên 60 tuổi -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Sau Mỹ, Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai về số ca mắc, với tổng 43.037.388 ca nhiễm và 521.746 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil khi nước này ghi nhận 30.183.929 ca mắc và 661.552 ca tử vong.

Trong hơn 2 năm đại dịch hoành hành, tổng số ca mắc Covid-19 toàn cầu vượt 100 triệu ca vào ngày 26/1/2021, tăng lên 200 triệu ca vào ngày 4/8/2021, vượt mốc 300 triệu ca vào ngày 6/1/2022, và tiếp tục vượt 400 triệu ca ngày 8/2/2022.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới