Theo trang thống kê worldometers.info, Hàn Quốc ghi nhận trên 2,1 triệu ca bệnh mới trong 7 ngày qua, tăng 44% so tuần trước nữa. Nước này cũng dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới trong tuần, chiếm gần 20% tổng số ca mắc toàn cầu.
Hàn Quốc đã chứng kiến các ca nhiễm tăng đột biến theo cấp số nhân kể từ đầu năm nay, với số liệu công bố hàng ngày tăng vọt từ 4 lên 5 chữ số kể từ cuối tháng 1. Đáng chú ý, trong tuần qua, Hàn Quốc ghi nhận mức cao chưa từng thấy với 383.664 ca nhiễm mới được công bố hôm thứ bảy, sau khi lần đầu tiên vượt mốc 300 nghìn ca nhiễm/ngày chỉ trước đó 3 ngày.
Nếu như Hàn Quốc phải mất 13 ngày để số ca mắc mới tăng từ 100 nghìn lên 200 nghìn ca/ngày, thì từ mốc 200 nghìn lên 300 nghìn ca nhiễm chỉ mất có 8 ngày, đủ để cho thấy làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra đang diễn tiến với tốc độ nhanh chóng ở nước này.
Chính phủ Hàn Quốc dự báo làn sóng Omicron sẽ bước vào giai đoạn cao điểm trong tuần này, với ước tính số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng cao. Ngay trong sáng đầu tuần ngày hôm nay (14/3), Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã công bố thêm 309.790 ca nhiễm trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận hơn 300 nghìn ca mắc mới trong 1 ngày.
Trong nỗ lực ứng phó làn sóng dịch bệnh mới, giới chức Hàn Quốc vừa thông báo sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào cuối tháng này.
Bộ trưởng Nội vụ Jeon Hae-cheol cho biết, quyết định này được đưa ra sau khi số liệu cho thấy số bệnh nhi mắc Covid-19 dưới 11 tuổi hiện đã chiếm hơn 15% tổng số ca bệnh tại Hàn Quốc. Ông cũng nêu rõ vaccine đã được chứng minh là "an toàn và hiệu quả" đối với trẻ em ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Hàn Quốc đã chuyển trọng tâm phòng, chống dịch sang tập trung điều trị các trường hợp bệnh nghiêm trọng và ngăn ngừa ca tử vong, đồng thời cũng đã dừng chương trình truy vết tiếp xúc nghiêm ngặt, vốn được xem là chiến lược thành công để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19 trong những ngày đầu đại dịch.
Bắt đầu từ tuần này, học sinh và nhân viên nhà trường không bị nhiễm Covid-19 có thể đến trường trực tiếp, ngay cả khi các thành viên gia đình sống chung với họ dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã hoàn thành mũi vaccine nhắc lại cho 32,1 triệu người, tương đương 62,6% dân số. Số người được tiêm chủng đầy đủ là 44,43 triệu người, chiếm 86,6%.
Trên phạm vi toàn cầu, theo số liệu của worldometers.info, số ca mắc trong tuần qua đã tăng 6% lên 10.918.912 ca, sau khi giảm 19% vào tuần trước đó, nâng tổng ca mắc tích lũy đến thời điểm hết ngày chủ nhật là 457.613.472 ca. Số ca tử vong trong 7 ngày qua giảm 18%, với 42.384 ca, nâng tổng số tử vong vì Covid-19 toàn thế giới lên 6.064.493 ca.
Đứng thứ hai thế giới về số ca mắc trong tuần qua là Đức, với thêm 1.303.308 ca bệnh mới, tăng 20%. Trong tuần qua, quốc gia này đã lập kỷ lục số ca mắc mới hàng ngày cao nhất từ trước đến nay với 300.270 trường hợp ghi nhận hôm thứ năm.
Đang chứng kiến mức tăng đột biến số ca mắc mới do biến thể Omicron hoành hành từ giữa tháng 1, số ca tử vong vì Covid-19 ở Đức cũng đang ở mức đáng lo ngại, với trung bình 200 ca mỗi ngày trong tuần trước, dù đã giảm so kỷ lục 1.249 người không qua khỏi tính riêng trong ngày 29/12 năm ngoái.
Nước này đang trong giai đoạn 2 của chiến lược giảm dần các hạn chế phòng dịch trước "ngày tự do" đã được lên kế hoạch vào ngày 20/3 tới đây để chấm dứt tất cả các quy tắc phòng Covid-19 còn lại.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach hôm thứ sáu cảnh báo, nước này đang ở trong 1 tình huống “rất nguy cấp”, với số ca mắc tăng mạnh cùng 200-250 người không qua khỏi mỗi ngày.
Theo ông Lauterbach, biến thể Omicron được xem là 1 biến thể gây bệnh nhẹ hơn song điều đó chỉ đúng ở 1 mức độ hạn chế. “Chúng ta không thể hài lòng với tình trạng mà có tới 200 đến 250 người tử vong mỗi ngày và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong vài tuần tới”, Bộ trưởng Y tế Đức nêu rõ.
Trên toàn châu Âu, số ca mắc tăng 6% với thêm 4.324.170 ca ghi nhận trong tuần qua, đứng thứ hai về tổng ca mắc trong tuần sau châu Á, nhưng dẫn đầu về số ca tử vong, với thêm 14.180 ca, giảm 19%.
Hầu hết các quốc gia ở châu Âu đều có tỷ lệ tiêm chủng cao. Trung bình ở Liên minh châu Âu, con số này là 75,8%, trong đó một số quốc gia đạt tỷ lệ cao có thể kể đến 87,2% ở Tây Ban Nha, 84% ở Pháp, 85% ở Italia, 83,2% ở Đan Mạch, 77,3% ở Hà Lan, 76,4% ở Đức, 76,5% ở Áo.
Trong khi đó, Bắc Mỹ ghi nhận mức giảm 26% số ca mắc trong tuần với trên 336 nghìn ca, trong khi số ca tử vong mới cũng giảm tương đương với 8.678 ca (giảm 27%).
Trong đó, Mỹ chiếm nhiều ca mắc nhất khu vực trong tuần trước, với 212.322 ca nhưng giảm tới 31% so 7 ngày trước đó. Đây là mức giảm mạnh khi so sánh kỷ lục về số ca hàng ngày đạt 901.765 ca tính riêng trong ngày 7/1. Ca tử vong trong tuần ở Mỹ cũng giảm mạnh 26%, xuống còn 6.845 ca, so 9.202 trong 7 ngày trước đó.
Tuy vậy, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đại dịch, đến nay ghi nhận 81.174.677 ca mắc và 993.811 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, với 42.993.213 ca. Tuy nhiên, Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới, với 655.139 ca.
Trong 10 quốc gia có số ca mắc cao nhất, 7 quốc gia còn lại là các nước châu Âu, gồm Pháp 23.514.144 ca, Anh 19.530.485 ca, Nga 17.335.186 ca, Đức 17.240.479 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 14.551.665 ca, Italia ghi nhận 13.373.207 ca và Tây Ban Nha 11.223.974 ca.