Vừa qua, khi gia đình anh L.Đ.D (sinh năm 1985, trú quán tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) đang nấu cơm thì bị lửa bén gây cháy xưởng sản xuất khẩu trang của gia đình. Nhận được tin báo, các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tỉnh Bắc Ninh phối hợp Công an huyện Gia Bình, các lực lượng chức năng triển khai phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Sau gần 1 giờ nỗ lực chữa cháy, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Bước đầu xác định, xưởng sản xuất khẩu trang của gia đình anh D có diện tích 200m2, vụ cháy gây thiệt hại gần 100 triệu đồng.
Trước đó tại nhà số 116 B9 Kim Liên (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) xảy ra vụ cháy khiến 5 người trong gia đình tử vong gồm: Bà Đ.T.M (sinh năm 1948, chủ hộ), bà Đ.M.H (sinh năm 1985, con dâu của bà M), ông B.N.K (sinh năm 1985, con ruột bà M), cháu B.N.P (sinh năm 2012, con trai của ông B.N.L) và cháu B.G.H (sinh năm 2021, con trai của ông B.N.L).
Có 2 người bị thương là ông B.N.L (sinh năm 1983, con trai bà M) và cháu B.Q.H (sinh năm 2010, con trai ông B.N.L)… Nhận được thông tin báo cháy, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Hà Nội đã điều 1 xe chỉ huy và 4 xe chữa cháy của các quận Đống Đa và Hai Bà Trưng tham gia chữa cháy. Sau khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn, bước đầu lực lượng chức năng xác định khu vực xảy ra cháy tại tầng 1 của nhà bà Đ.T.M...
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong ba tháng đầu năm cả nước xảy ra 443 vụ cháy; làm chết 21 người, bị thương 25 người; về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 57,9 tỷ đồng. Trong đó có 173 vụ cháy nhà dân; 84 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh;… Riêng trong tháng 4/2022, toàn quốc xảy ra 132 vụ cháy làm chết 8 người, bị thương 5 người; thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 22,5 tỷ đồng.
Trong đó có 45 vụ cháy nhà dân; 26 vụ cháy nhà kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh; 10 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh… Những địa phương xảy ra các vụ cháy lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, TP Hải Phòng, Đồng Nai. Nguyên nhân chính xảy ra các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, do sự cố kỹ thuật; do tự cháy; sự phát triển nhanh về số lượng nhà cao tầng, nhà máy xí nghiệp; ý thức thiếu trách nhiệm hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy của người dân; người đứng đầu các đơn vị chưa tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy…
Bên cạnh đó, còn có yếu tố khách quan như cơ sở hạ tầng, những khu dân cư nằm sâu trong ngõ hẹp, khu tập thể cũ,... khiến xe chữa cháy di chuyển rất khó khăn. Mạng lưới phòng cháy chữa cháy còn mỏng, lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên trách chưa thật sự đáp ứng được những nhu cầu thực tiễn. Việc quản lý hoạt động phòng cháy chữa cháy tại nhiều cấp ủy chính quyền cấp cơ sở còn hạn chế.
Để hạn chế xảy ra các vụ cháy, nhất là vào mùa nắng nóng, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã tăng cường vận động, khuyến khích nhân dân đăng ký, sử dụng ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ “App báo cháy 114”.
Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, trung tâm thương mại. Tích cực xử lý các cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định phòng cháy chữa cháy; chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi xảy ra cháy. Đối với các hộ gia đình cần khuyến khích trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, nước chữa cháy,… và biết cách sử dụng những phương tiện này. Cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, bàn là, thiết bị sưởi ấm… Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Tăng cường tuyên truyền qua trang web, hệ thống truyền hình, tin nhắn để người dân nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy. Phối hợp các trường, đơn vị trong quan hệ hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, từ đó nâng cao công tác phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam. Tổ chức các lớp giảng dạy, cấp chứng chỉ về phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị...
Khi xảy ra cháy tại các khu dịch vụ thương mại, chung cư, nhà ở… người bị nạn cố gắng tìm các lối thoát hiểm theo các biển chỉ dẫn. Sử dụng chăn, khăn, quần áo nhúng nước choàng lên đầu, lên người; khom người xuống sát đất khi di chuyển qua khu vực xảy ra cháy. Chú ý kiểm tra nhiệt độ cánh cửa thoát hiểm.
Nếu nhiệt độ quá cao thì người bị nạn nên tìm lối thoát hiểm khác. Dùng đồ vải nối lại hoặc thang dây để di chuyển xuống đất; tuyệt đối không nhảy xuống nếu không có đệm, lưới phía dưới. Nếu không có lối thoát hiểm, cần chạy ra cửa sổ, ban công kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người chung quanh. Gọi ngay đến số điện thoại 114 để thông báo về vụ cháy…
Đại úy NGUYỄN MẠNH TUẤN (Bộ Công an)
Hiện nay, trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Phòng cháy chữa cháy; Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy chữa cháy; Bộ luật Hình sự; Luật Nhà ở… và các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế một số văn bản quy định chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy được ban hành từ lâu, chưa được sửa đổi, bổ sung để phù hợp thực tiễn; thiếu sự liên kết giữa các văn bản của các bộ, ngành dẫn đến việc chồng chéo. Do vậy, cần thiết phải có thông tư liên tịch để liên kết chặt chẽ các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Luật sư TRẦN THỊ KHÁNH HƯƠNG (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An)