Hai tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford được phân phối toàn cầu

NDO -

Ngày 16/11, hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford cho biết, trong chưa đầy 1 năm kể từ lần đầu được phê duyệt, vaccine ngừa Covid-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển đã được phân phối 2 tỷ liều trên toàn thế giới.

Người phụ nữ được tiêm vaccine AstraZeneca/Oxford do Chính phủ Anh tài trợ, tại Nairobi, Kenya, tháng 8/2021. (Ảnh: Reuters)
Người phụ nữ được tiêm vaccine AstraZeneca/Oxford do Chính phủ Anh tài trợ, tại Nairobi, Kenya, tháng 8/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo thông cáo chung của AstraZeneca và Oxford, loại vaccine này đang được sản xuất tại 15 quốc gia để cung cấp cho hơn 170 quốc gia. Vaccine AstraZeneca/Oxford là loại vaccine chiếm phần lớn nhất trong cơ chế chia sẻ vaccine của COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn dắt.

Tuần trước AstraZeneca cho biết, trong lúc thế giới học cách chung sống với virus gây ra Covid-19, hãng dược này sẽ bắt đầu thu về lợi nhuận khiêm tốn nhất từ vaccine sau khi cam kết bán vaccine không lợi nhuận trong thời gian đại dịch bùng phát.

Hồi tháng 6/2020, AstraZeneca đã ký kết với Viện Huyết thanh Ấn Độ để giúp tăng cường năng lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19 lên 2 tỷ liều.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 15/11 đã kêu gọi người dân khẩn cấp đi tiêm chủng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo Tổng thống Steinmeier, người mắc Covid-19 chủ yếu là những người chưa tiêm phòng, trong khi chính những người này đang phải chiến đấu giành giật sự sống trên các giường chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ cho biết có tới 90% những người trong các khu chăm sóc đặc biệt hiện chưa được tiêm chủng. Tính tới ngày 15/11, Đức đã có 70,1% tổng dân số được tiêm chủng ít nhất một mũi, 67,5% được tiêm đủ liều và 4,6% đã tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, nếu không tính số trẻ em dưới 12 tuổi, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của Đức đã đạt 75,9% và 78,8% đã tiêm ít nhất một mũi.

Hiện nhiều bang của Đức đã ban hành quy tắc 2-G, theo đó chỉ cho phép những người đã khỏi bệnh và đã tiêm đủ liều mới được tham gia một số sự kiện và đời sống xã hội. 

Hành khách đến từ 99 quốc gia, những người đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 nay có thể đến Ấn Độ mà không cần phải cách ly bắt buộc.

Theo bản hướng dẫn sửa đổi của Chính phủ Ấn Độ, một số quốc gia trong danh sách miễn trừ nêu trên bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Israel, Australia, Bỉ, Bangladesh, Phần Lan, Croatia, Hungary, Nga, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Nepal.

Biện pháp miễn trừ được áp dụng tiếp sau thỏa thuận của Ấn Độ với một số nước trong số 99 quốc gia về việc công nhận lẫn nhau chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 đối với những vaccine được quốc gia hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận.

Mặt khác, một số quốc gia trong danh sách “Loại A” dù không có thỏa thuận công nhận vaccine với Ấn Độ nhưng cho phép công dân Ấn Độ đã tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh không phải cách ly.

Theo quy định, du khách đến từ 99 quốc gia phải tự khai báo về tình trạng tiêm chủng đầy đủ của mình tại cổng thông tin Air Suvidha, đồng thời xuất trình báo cáo xét nghiệm RT-PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Hành khách cũng cần phải nộp một bản khai báo liên quan đến tính xác thực của báo cáo RT-PCR và sẽ phải chịu trách nhiệm truy tố hình sự nếu khai báo đó bị phát hiện là giả.

Những du khách mới chỉ tiêm một phần hoặc chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm khi đến Ấn Độ và trải qua thời gian cách ly 7 ngày tại nhà, sau đó xét nghiệm lại vào ngày thứ 8, và nếu kết quả âm tính, sẽ tiếp tục tự theo dõi sức khỏe của mình trong 7 ngày tiếp theo.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 16/11 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 254.589.520 ca mắc, 5.121.992 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 80.795,787 ca mắc, 1.192.629 ca tử vong
2. Châu Âu: 68.471.921 ca mắc, 1.356.317 ca tử vong  
3. Bắc Mỹ: 57.639.899 ca mắc, 1.171,560 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 38.704.031 ca mắc, 1.176.146 ca tử vong
5. Châu Phi: 8.638.750 ca mắc, 221.346 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 338.411 ca mắc, 3.979 ca tử vong
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 48.072.898 ca mắc, 784.779 ca tử vong
2. Ấn Độ: 34.456.401 ca mắc, 463.852 ca tử vong
3. Brazil: 21.960.766 ca mắc, 611.384 ca tử vong
4. Anh: 9.600.369 ca mắc, 142.945 ca tử vong
5. Nga: 9.109.094 ca mắc, 256.597 ca tử vong

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới