Hải Phòng: Xử lý dứt điểm vi phạm về đất đai ở Tiên Lãng

Những năm qua, tại huyện Tiên Lãng (thành phố Hải Phòng) có nhiều vụ việc vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai và trật tự xây dựng. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ và yêu cầu xử lý dứt điểm, nhưng cho đến nay, việc giải quyết diễn ra rất chậm, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
0:00 / 0:00
0:00
Những công trình đồ sộ “mọc” lên trên đất nông nghiệp tại Công ty nông nghiệp Quý Cao. (Ảnh: nhandan.vn)
Những công trình đồ sộ “mọc” lên trên đất nông nghiệp tại Công ty nông nghiệp Quý Cao. (Ảnh: nhandan.vn)

Điển hình là vụ việc xây dựng trái phép trên đất của Nông trường Quý Cao, sau đó đổi tên là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nông nghiệp Quý Cao (gọi tắt là Công ty Quý Cao) và tranh chấp diện tích đầm nuôi trồng thủy sản ở xã Vinh Quang.

Theo phản ánh của bạn đọc, năm 1993, Nông trường Quý Cao được Nhà nước giao quản lý, sử dụng khoảng 122ha tại xã Ðại Thắng và Tiên Cường (huyện Tiên Lãng). Ðơn vị này sau đó giao khoán 20 năm cho các hộ với mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp.

Thời gian này, nhiều hộ dân tự ý xây dựng công trình kiên cố, trong đó có cả biệt thự rộng hàng trăm mét vuông; nhiều ngôi nhà cao ba, bốn tầng; nhiều cơ sở hoạt động kinh doanh ăn uống, buôn bán, dịch vụ, cơ sở thờ tự...

Ðến năm 2015, Công ty Quý Cao giải thể; diện tích công ty này quản lý được bàn giao lại cho Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng. Tuy nhiên, do những vướng mắc trong việc phân định địa giới hành chính giữa hai địa phương (tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng), cho nên việc quản lý đối với phần diện tích nêu trên gặp nhiều khó khăn, nhiều người tự ý xây dựng trên phần đất được giao khoán. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh việc vi phạm trật tự xây dựng, hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất trên diện tích Công ty Quý Cao giao khoán cho các hộ cũng rất phức tạp.

Thống kê sơ bộ, đã có 112 công trình vi phạm, nhiều công trình xuất hiện sau năm 2015. Một số khu đất hình thành như một khu phố thu nhỏ, có đường đi chung, đèn đường, biển báo, biển số nhà...

Ðến năm 2020, những khó khăn trong việc phân định địa giới hành chính giữa hai địa phương được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 28/4/2020 để định hướng giải quyết.

Theo đó, địa giới quản lý được phân chia do hai xã Ðại Thắng và Tiên Cường thuộc huyện Tiên Lãng và một phần thuộc địa giới hành chính xã Quang Trung (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Ðây là cơ sở để hai địa phương giải quyết dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng và đất đai, chuẩn bị điều kiện để thu hồi lại diện tích Nhà nước đã giao cho Nông trường Quý Cao trước kia.

Từ giữa năm 2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng cùng các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương giải quyết dứt điểm những vướng mắc, hoàn trả mặt bằng trước tháng 6/2022. Do huyện Tiên Lãng không hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian này, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng liên tiếp ban hành các Thông báo số 250/TB-UBND ngày 19/5/2022; số 251/TB-UBND ngày 19/5/2022; số 273/TB-UBND ngày 26/5/2022 về tình trạng vi phạm trong sử dụng đất. Ngày 20/10/2022, Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục ban hành Công văn số 4127/VP-ÐC2 về đôn đốc xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ vi phạm.

Tuy vậy, cho đến nay, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, địa phương mới chỉ ban hành được chín quyết định xử phạt vi phạm, trong đó đã tổ chức cưỡng chế bốn trường hợp. "Một số trường hợp khác, các hộ dân không hợp tác nhằm kéo dài thời gian đoàn công tác xác minh vi phạm. Một số hộ khiếu nại hoặc đề nghị có phương án hỗ trợ do không có nơi ở khác... khiến cho việc giải quyết dứt điểm vi phạm gặp nhiều khó khăn", ông Hoàng Văn Thiềm, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng cho biết.

Ðiều đáng nói, chín hộ dân vi phạm về đất đai nêu trên đều có nguồn gốc là cán bộ, nhân viên Công ty Quý Cao.

Theo ông Bùi Văn Toàn, nguyên Giám đốc Công ty Quý Cao, vấn đề vi phạm pháp luật về đất đai trên diện tích công ty quản lý diễn ra từ lâu. Trong hợp đồng giao khoán giữa công ty và các hộ chỉ cho phép xây dựng nhà lán tạm để trông coi sản xuất nhưng nhiều hộ không tuân thủ. Ðến khi cán bộ công ty phát hiện, yêu cầu hoàn trả nguyên trạng cũng không chấp hành. "Ðây là tồn tại do lịch sử để lại, chúng tôi biết là có trách nhiệm khi để xảy ra những việc như vậy, nhưng lực bất tòng tâm", ông Toàn phân trần.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðại Thắng Lương Minh Sơn cho biết, vi phạm về đất đai ở Công ty Quý Cao xảy ra từ nhiều năm nay. Nhưng tính từ năm 2015, thời điểm công ty giải thể, chỉ có 16 trường hợp. Xã đã nhiều lần cử cán bộ xuống hiện trường lập biên bản vi phạm, yêu cầu đình chỉ xây dựng nhưng không hộ nào chấp hành, không ký biên bản làm việc.

Trường hợp của ông Mai Ðức Quy (trú tại thôn Ðồn Dưới, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng) cũng khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi trong việc quản lý và xử lý vi phạm của chính quyền địa phương. Theo ông Quy phản ánh, gần 20 năm nay, ông đã khiếu nại đề nghị các cấp chính quyền xác minh, trả lại cho ông diện tích đất giao khoán còn thiếu và diện tích giao nhầm cho người khác. Năm 2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vinh Quang đã có văn bản yêu cầu cán bộ địa chính bàn giao lại cho ông Quy một phần diện tích thiếu nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết trên thực địa.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Thụ Hiệu, cán bộ địa chính xã Vinh Quang khẳng định, nếu ông Quy có đầy đủ giấy tờ chứng minh thì sẽ giải quyết trả lại đất giao cho ông Quy. Thế nhưng, ông Quy đã đưa ra đầy đủ bằng chứng, chính quyền xã vẫn không thực hiện.

Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng kiểm tra và có phương án giải quyết dứt điểm, nhưng lãnh đạo huyện vẫn không chỉ đạo thực hiện với lý do "vụ việc chưa đủ cơ sở để kết luận" ■

Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ tự nguyện chấp hành; đồng thời tìm giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các hộ ổn định cuộc sống và sản xuất trước khi tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm để hoàn trả lại hiện trạng.

BÙI THÀNH CƯƠNG

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng

Thành phố đã thành lập và yêu cầu Ðoàn kiểm tra liên ngành rà soát và lập hồ sơ vi phạm, nhất là đối với các vi phạm từ sau năm 2015. Những hộ vi phạm nếu không tự nguyện phá dỡ công trình thì sẽ bị cưỡng chế hoàn trả mặt bằng. Ðối với các vi phạm có dấu hiệu hình sự, phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, thành phố sẽ truy trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm.

NGUYỄN VĂN TÙNG

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng