“Năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, gắn bó với cơ sở, trách nhiệm với nhân dân” là nhận xét của đồng chí Ðinh Thị Phùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố Xuân Áng, thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão (Hải Phòng) khi nói về đồng chí Nguyễn Thúy Ngân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sơn, phụ trách khối văn hóa-xã hội.
Ðồng chí Nguyễn Thúy Ngân tốt nghiệp Ðại học Tài chính ngân hàng hệ chính quy, là một trong hai cán bộ trẻ dưới 30 tuổi được Huyện ủy luân chuyển, điều động về thị trấn trong năm 2021. Khi đó, giữa thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng đồng chí Nguyễn Thúy Ngân nhanh chóng vượt qua lo sợ và bỡ ngỡ ban đầu, luôn chủ động trên nhiều lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiệu quả thực tiễn công tác của nữ cán bộ trẻ không là người địa phương cũng làm tan những hoài nghi và quan niệm “con, cháu người địa phương thiếu gì mà phải đưa người nơi khác về” của không ít cán bộ, người dân ở thị trấn.
Ðồng chí Ðào Xuân Bán, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy thị trấn Trường Sơn cho biết thêm, nhiều cán bộ và người dân nơi đây thậm chí muốn người nữ cán bộ trẻ nhiệt huyết này “đóng đô” tại đây và trở thành người địa phương khi biết Ngân chưa có gia đình riêng. Ngân bày tỏ: “Chính sự tin tưởng, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các cô, các chú và người dân ở Trường Sơn đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi nỗ lực rèn luyện, trau dồi kiến thức”.
Ðến nay, đồng chí Trần Cao Cường đã công tác được 10 tháng ở phường Quán Trữ, quận Kiến An. Ðồng chí Vũ Khắc Huệ, Bí thư Ðảng ủy phường Quán Trữ cho biết, đồng chí Trần Cao Cường trước đây tốt nghiệp đại học loại giỏi, được kết nạp Ðảng tại Trường đại học Mỏ-Ðịa chất, đã lấy bằng thạc sĩ ngành Quản lý đất đai, từng làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ðồng Nai trở về địa phương làm việc tại Phòng Tài nguyên và Môi trường rồi chuyên viên Ban Tổ chức-Nội vụ quận Kiến An.
Về công tác, làm Phó Chủ tịch UBND phường Quán Trữ, đồng chí Cường đã khẩn trương tiếp cận các mặt công tác, hòa mình cùng tập thể cán bộ, công chức địa phương, luôn nêu cao trách nhiệm trước nhiều việc khó, như phòng, chống dịch Covid-19; đề xuất và triển khai các giải pháp tăng cường công tác quản lý quy hoạch đô thị; giải tỏa các tụ điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhất là khu vực dưới gầm cầu vượt Lãm Khê, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị, chuyển đổi số trong công tác quản lý của chính quyền… Trần Cao Cường chia sẻ, được đào tạo và hơn 5 năm công tác trước đó chủ yếu trong lĩnh vực chuyên ngành, khi được điều động xuống cơ sở, bản thân không khỏi lo lắng, nhất là lại phụ trách quản lý đô thị-một lĩnh vực khá phức tạp, nhạy cảm và phải thường xuyên tiếp xúc với người dân.
Tuy nhiên, với quyết tâm của tuổi trẻ không ngại việc khó, không ngại đổi mới, cùng với kiến thức được đào tạo, rèn luyện, sự quan tâm chia sẻ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Cao Cường đã thường xuyên bám sát cơ sở, nhanh chóng tiếp cận công việc, tiếp thu ý kiến góp ý của mọi người để tự sửa mình. “Chính ở cơ sở, trực tiếp hòa nhập với công việc đã giúp tôi hiểu thêm nhiều điều trong thực tế cuộc sống để trưởng thành hơn...”-Trần Cao Cường bày tỏ.
Ðồng chí Ðào Trọng Ðức, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng cho biết: Những năm qua, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cơ bản bảo đảm số lượng, chất lượng; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá thực trạng cho thấy: Cán bộ lãnh đạo diện Thành ủy quản lý ở phần lớn địa phương, cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi, không bảo đảm tính kế thừa; tỷ lệ cán bộ tuổi trẻ thấp, đặc biệt cán bộ trẻ dưới 35 rất thấp; có thể dẫn đến hẫng hụt đội ngũ cán bộ kế cận ở cả cấp thành phố, quận, huyện; tỷ lệ cán bộ được đào tạo bài bản còn thấp, nhất là ở cấp huyện, cấp xã.
Nhằm khắc phục tình trạng này, cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2020-2025), Thành ủy đã ban hành Kết luận số 09 (ngày 4/3/2021) về tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong Ðảng bộ thành phố Hải Phòng. Mục đích nhằm tăng cường chất lượng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cơ sở; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ cho những nhiệm kỳ tiếp theo, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Theo đó, trong nhiệm kỳ này, thành phố tăng cường mỗi quận, huyện ít nhất một cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi); mỗi quận, huyện bố trí 20-25% số xã, phường, thị trấn có cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) làm Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Ðến nay, Hải Phòng đã điều động, tăng cường bảy đồng chí cán bộ trẻ về công tác các quận, huyện, ngành; 11/15 quận, huyện đã bố trí, tăng cường 13 cán bộ trẻ về công tác tại xã, phường, thị trấn. Việc tăng cường cán bộ trẻ được Thành ủy Hải Phòng kết hợp thực hiện bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ không là người địa phương theo đúng nguyên tắc công khai, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch.
Theo đồng chí Nguyễn Cao Lân, Bí thư Huyện ủy An Lão, Kết luận số 09 của Thành ủy Hải Phòng đã giúp huyện tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác cán bộ, mở ra nhiều cơ hội mới cho đội ngũ cán bộ trẻ. Từ Kết luận nói trên của Thành ủy, An Lão đã khẩn trương triển khai và là địa phương sớm nhất của thành phố bố trí được cán bộ trẻ dưới 30 tuổi làm lãnh đạo các xã, thị trấn.
Ðồng chí Bùi Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Tổ chức-Nội vụ quận Kiến An cho biết, cùng với việc chú trọng công tác đào tạo nguồn cán bộ trẻ, Quận ủy rất quan tâm đến việc đánh giá năng lực, phẩm chất, lựa chọn kỹ càng theo tiêu chí, tiêu chuẩn quy định và chính từ kết quả thực tế công tác của cán bộ trẻ để điều động, luân chuyển, bố trí vị trí công tác phù hợp, giúp cán bộ trẻ phát huy được vai trò của mình. Quận ủy Kiến An đã đưa chỉ tiêu bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển cán bộ trẻ là chỉ tiêu “cứng” trong đánh giá công tác của các cấp ủy cơ sở trực thuộc.
Quận đã hoàn thành và triển khai Ðề án số 02 ngày 12/7/2021 về nâng cao chất lượng công tác cán bộ diện Quận ủy quản lý giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu mỗi năm luân chuyển, điều động từ 1-2 cán bộ trẻ từ quận xuống các phường. Quận thẳng thắn đặt ra “yêu cầu” đối với cán bộ trẻ nếu qua thời gian thử thách tại cơ sở không phát huy được vai trò sẽ phải trở về “vạch xuất phát” ban đầu. Ðó cũng là một “liệu pháp” động viên, khích lệ, nhưng cũng đặt ra yêu cầu, mục tiêu rõ ràng để cán bộ trẻ rèn luyện, phấn đấu.
Ðồng chí Ðỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng chia sẻ, Ðảng bộ thành phố luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là thường xuyên chú trọng chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thật sự gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết vì sự nghiệp chung. Kết quả bước đầu việc tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị thời gian qua đã tạo luồng sinh khí mới trong toàn Ðảng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ quyết tâm xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đề ra.