Hải Phòng là đô thị loại I, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm gần 90% cơ cấu kinh tế của thành phố và có xu hướng ngày càng tăng nhanh cả về quy mô và mức đóng góp. Tuy nhiên, Hải Phòng hiện vẫn còn tám trong số 15 đơn vị hành chính là huyện, 55% số dân sống ở nông thôn. Tại Hải Phòng, phát triển du lịch cộng đồng được thực hiện từ nhiều năm, đạt được những kết quả nhất định, nhất là tại một số xã của huyện Cát Hải như Phù Long, Xuân Đám, Việt Hải... Nhưng hoạt động vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế hạn chế, chưa có sức lan tỏa thành loại hình sản phẩm du lịch phổ biến.
Hải Phòng quyết định sẽ tập trung phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm thu hút khách và nâng cao doanh thu du lịch, đồng thời phù hợp định hướng mở rộng không gian phát triển du lịch của TP Hải Phòng, góp phần thực hiện hai mục tiêu lớn là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Để triển khai, UBND thành phố Hải Phòng giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu hiện trạng, tiềm năng phát triển du lịch tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Dương từ năm 2016 đến nay và đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông thôn Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng đó, các địa phương đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới với các mô hình gắn du lịch cộng đồng.
* Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chính quyền các địa phương của tỉnh Điện Biên đã tập trung thực hiện tốt hai nhiệm vụ bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và vận động người dân khoanh nuôi, tái sinh rừng. Tỉnh kiện toàn 10/10 ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện với 287 thành viên; 129/129 ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; 1.429 tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng cấp thôn, bản; 100% các chủ rừng có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng… Nhờ đó, số vụ cháy rừng và phá rừng trong bốn năm gần đây giảm nhiều so với giai đoạn trước, bình quân các loại vi phạm giảm 12%/năm.
Công tác vận động nhân dân tham gia trồng, bảo vệ rừng được tăng cường. Diện tích rừng tái sinh, rừng được lực lượng kiểm lâm chủ động rà soát để chi trả dịch vụ môi trường. Do đó diện tích rừng được trồng mới tăng đều qua các năm. Hết năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,25% (vượt 0,25% so với nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 13 đề ra). Toàn tỉnh có gần 23.000 ha rừng ở trạng thái đất gỗ có cây tái sinh phát triển thành rừng; điển hình là các huyện: Mường Nhé có 8.161 ha; Mường Chà có 3.616 ha.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên đang chỉ đạo chính quyền các địa phương vận động người dân tiếp tục khoanh nuôi, không phá rừng làm nương. Đẩy nhanh công tác phân bổ, bố trí vốn, thanh toán chi phí cho người trồng rừng. Các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng đơn giản, dễ hiểu, phù hợp trình độ, nhận thức của đồng bào. Phấn đấu hết năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh Điện Biên đạt 42,5%, đến năm 2025 đạt 45% và năm 2030 đạt 48%.