Hải Phòng khai thác các lợi thế phát triển du lịch

* Bình Thuận ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn

Đảo ngọc Cát Bà là một trong những điểm tham quan của khách du lịch khi đến Hải Phòng. Ảnh: THANH HÀ
Đảo ngọc Cát Bà là một trong những điểm tham quan của khách du lịch khi đến Hải Phòng. Ảnh: THANH HÀ

Để phát triển du lịch, TP Hải Phòng tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế về hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các hội nghị, hội thảo, hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước và một số quốc gia có tiềm năng trên thế giới. Thành phố áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Hải Phòng là nơi có nhiều lợi thế về du lịch như có khu du lịch Đồ Sơn, Hòn Dấu, đảo ngọc Cát Bà, cùng nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như Đền Nghè, sông Bạch Đằng lịch sử, Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bến tàu Không số K15 - điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Những điểm đến này được Hải Phòng liên kết với các hãng, công ty lữ hành, các địa phương như Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Bình… hình thành các tua du lịch “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”. Ba tháng đầu năm, TP Hải Phòng đón 1,32 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,17% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 163 nghìn lượt.

* Năm 2016, tỉnh Bình Thuận tiếp tục được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 tại 10 xã và 21 thôn đặc biệt khó khăn, tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất. Tỉnh đã hỗ trợ 24 nghìn giống cây điều ghép cao sản cho 138 hộ nghèo, cận nghèo; 116 con bò giống sinh sản; 486 con dê giống; hỗ trợ các mô hình chăn nuôi… với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã bàn giao đưa vào sử dụng 20 công trình gồm đường giao thông, cầu, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, công trình thủy lợi... Công tác tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình 135 được các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng chỉ đạo, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chương trình.

Việc tổ chức thực hiện Chương trình 135 đã giúp đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở nâng cao trình độ quản lý nhà nước về các mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu tình hình và nhiệm vụ. Việc tổ chức sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số được chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa. Cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, bản được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3% đến 4%/năm. Hơn 90% số xã có trạm y tế xây dựng kiên cố; 95% số phòng học vùng dân tộc được kiên cố hóa. Tất cả các xã có đường nhựa đến trung tâm xã.