Từ thế kỷ 16, Hải Lăng đã nổi danh là quê hương của Tiến sĩ đầu tiên xứ Đàng trong Bùi Dục Tài. Nơi đây có hình thế núi sông kỳ vĩ, sản vật đa dạng, độc đáo. Thư tịch cổ mô tả Hải Lăng có cảnh quan thơ mộng, núi lớn, sông dài, khí vượng, tạo nên mạch nguồn sâu thẳm của vùng đất và con người. Tiêu biểu, giai đoạn cùng tỉnh Quảng Trị và cả nước đấu tranh thống nhất nước nhà, Hải Lăng luôn thể hiện khí phách anh hùng.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, dẫn đến đại thắng vào ngày 30/4, chiến dịch giải phóng Hải Lăng (Quảng Trị)-Huế-Đà Nẵng, với tính chất, quy mô và tác động to lớn, được xem là trận quyết chiến chiến lược quan trọng, góp phần mở toang cánh cửa tiến đến giải phóng miền nam.
Lúc bấy giờ, Quảng Trị đã là tỉnh đầu tiên của miền nam được giải phóng từ ngày 1/5/1972, nhưng đến trước tháng 3/1975, vẫn còn lại 15% diện tích đất ở phía nam do ngụy quyền Sài Gòn nắm giữ. Vì vậy Trung ương quyết tâm giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị càng sớm càng tốt. Sau 10 ngày tấn công áp đảo, đến 18 giờ ngày 19/3/1975, toàn bộ quân đội chính quyền Sài Gòn ở Hải Lăng phải rút chạy vào Huế, huyện Hải Lăng hoàn toàn giải phóng. Sau 21 năm trường kỳ chiến đấu cùng cả nước, niềm vui chiến thắng huyện Hải Lăng vỡ òa.
Huyện Hải Lăng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng khác; 14 tập thể và 7 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hơn 500 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, truyền thống cách mạng hào hùng luôn là bệ phóng giúp Hải Lăng có năng lượng dồi dào và phát triển đúng hướng. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện rất quan tâm đến chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình này, vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ trong từng quyết sách.
Huyện tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách và văn bản của Trung ương, tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện với lộ trình, giải pháp phù hợp về xây dựng nông thôn mới. Bằng sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung với nhiều giải pháp cụ thể, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở Hải Lăng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, từ đó huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện thành công quyết sách này.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất trí của các tầng lớp nhân dân, Hải Lăng đã có những bước phát triển vượt bậc, diện mạo nông thôn hoàn toàn đổi mới, kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao đáng kể. Một trong những dấu ấn xây dựng nông thôn mới ở huyện Hải Lăng là công tác kêu gọi, huy động nguồn lực, đóng góp sức người, sức của. Tổng nguồn lực huy động từ năm 2011-2024 là hơn 2.813 tỷ đồng.
Theo đồng chí Dương Viết Hải, đáng lưu ý trong quá trình này, nhiều chính sách hỗ trợ đã được huyện triển khai đem lại hiệu quả thiết thực; nổi bật như: Chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực và các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chính sách hỗ trợ một số cây trồng, con nuôi có hiệu quả, tiềm năng phát triển, tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh; chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để cơ giới hóa ruộng đồng.
Từ những quyết sách lớn, mang tính đột phá của huyện và sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, lĩnh vực nông nghiệp của Hải Lăng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là về dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, thành lập tổ hợp tác, nhóm hộ thuê đất xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ.
Hải Lăng táo bạo khai thác tiềm năng vùng cát theo hướng sản xuất nông sản sạch và thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Dương Hoàng Cảnh cho biết, xã đã mạnh dạn quy hoạch và đưa vào sử dụng hiệu quả gần 140 ha đất cát để trồng rau màu các loại. Riêng với hai loại cây chủ lực là cây ném (hành tăm) cho thu nhập từ 130-140 triệu đồng/ha, cây mướp đắng từ 110-120 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, người dân có đời sống khá cao.
Kế thừa những thành quả đạt được, huyện Hải Lăng đã có nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội phù hợp, sáng tạo, đó là phát triển nông nghiệp bền vững, hữu cơ, công nghệ cao theo chuỗi giá trị và công nghiệp. Những thành tựu của chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển là minh chứng hùng hồn cho ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, vượt khó đi lên của Hải Lăng.
Thu nhập bình quân đầu người dân của huyện hiện đạt hơn 73 triệu đồng, gấp gần 20 lần so với năm 1990. Sự chuyển dịch trong ý thức của người dân để phát triển nông nghiệp rất đáng tự hào. Họ đã mạnh dạn đổi mới trong việc tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường.
Đây là những nông dân thấy xa hiểu rộng, dám nghĩ, dám làm những gì khác với truyền thống. Đáng chú ý, Hải Lăng có 5 xã nằm trong vùng lõi khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên cho khu kinh tế này để tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến tập trung đầu tư vào nhiệt điện, điện khí, cảng biển và công nghiệp sản xuất chế tạo.
Định hướng xây dựng nông thôn mới những năm tiếp theo, đồng chí Bí thư Huyện ủy Hải Lăng Nguyễn Khánh Vũ cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện Hải Lăng tập trung phát triển kinh tế hợp lý, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, quyết tâm xây dựng được nhiều xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, hướng đến đô thị hóa nông thôn, phấn đấu sớm đạt mục đích nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/năm.