Hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

NDO -

Nhân Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp tổ chức thành công “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021” (ngày 5/12), phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn nhanh PGS,TS Trần Huy Hoàng (Trường Đại học Tài chính-Marketing) về những điều cần điều chỉnh trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, hỗ trợ tốt hơn việc phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, xã hội nước ta thời gian tới.

PGS,TS Trần Huy Hoàng.
PGS,TS Trần Huy Hoàng.

Phóng viên: Qua theo dõi nhiều nội dung chuyên sâu tại Diễn đàn của các diễn giả quốc tế và trong nước, ông có thể lý giải vì sao nhiều ý kiến cho rằng, nước ta cần áp dụng đồng thời chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện nay và sắp tới?

PGS,TS Trần Huy Hoàng: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, theo nhận định của đại diện Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Jacques Morisset, trong năm 2021, kinh tế thế giới sẽ có mức tăng trưởng khoảng 5% đến 5,5%, trong khi Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2% đến 2,5%.

Do vậy, Việt Nam cần thiết phải kịp thời có những giải pháp để phục hồi và phát triển bền vững kinh tế.

Tuy nhiên, việc phục hồi và phát triển bền vững kinh tế bằng cách tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu là không dễ thực hiện trong điều kiện nền kinh tế còn đang suy yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Vì vậy, việc kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để phục hồi và phát triển bền vững kinh tế là tất yếu, trong đó cần chú trọng và ưu tiên chính sách tài khóa.

Phóng viên: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất quan tâm lắng nghe khuyến nghị, tham vấn của các nhà kinh tế quốc tế và chuyên gia trong nước về chính sách tài khóa của chúng ta trong giai đoạn tới . Ý kiến của ông về những giải pháp được nêu vừa qua?

PGS, TS Trần Huy Hoàng: Chúng ta cần thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng, tập trung miễn, giảm thuế. Trong đó, gồm các loại thuế: Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm vừa qua; thuế thu nhập cá nhân; thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn chịu tác động của dịch Covid-19; thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề; miễn, giảm các khoản tiền chậm nộp phát sinh đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ năm trước.

Về nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp qua chính sách thuế, trong kết luận bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ quan tâm nội dung báo cáo của Worldbank về kinh nghiệm quốc tế trong áp dụng chính sách thuế, nhất là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp không có lãi, thậm chí bị lỗ thì phải có hỗ trợ chi phí đầu vào, khấu trừ chi phí đầu vào cao hơn thực tế, hay cho chuyển lỗ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định, hỗ trợ doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào chi phí với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Nhiều doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”, chi phí đầu vào rất lớn nếu không khấu trừ chi phí đầu vào thì khó khăn, nhà nước phải hỗ trợ vấn đề này. Chính sách hỗ trợ như vậy sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại được, sau này phát triển... (PV)

Tuy nhiên, việc ưu đãi thuế bằng cách miễn, giảm thuế suất trên cơ sở giảm sút lợi nhuận chưa phải là giải pháp tối ưu. Từ năm 2023 chúng ta nên thực hiện ưu đãi thuế trên cơ sở dựa vào chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu (doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội) được khấu trừ bổ sung (như chi phí vốn, chi phí lao động, chi phí lãi…).

Chính sách hỗ trợ cần tránh kiểu dàn trải, bình quân, nhỏ giọt mà cần chọn lọc hơn, tập trung hơn vào các doanh nghiệp quy mô lớn, có ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ đến các khu vực khác trong nền kinh tế.

Phóng viên: Việc nới lỏng chính sách tài khóa có thể gây ảnh hưởng không mong muốn đến nguồn thu ngân sách nhà nước?

PGS,TS Trần Huy Hoàng: Có thể tăng thu ngân sách nhà nước từ một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa nới lỏng như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... Ngân sách cũng được tăng thêm nhờ tăng thu từ sự tăng giá dầu thô; từ hoạt động xuất, nhập khẩu…

Cùng với đó, để giảm chi ngân sách nhà nước, chúng ta cần chủ động ưu tiên cân đối nguồn tài chính cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng thời, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cần thực hiện cắt giảm đến mức thấp nhất kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết…

Phóng viên: Còn chính sách tiền tệ cần có thêm những điều chỉnh gì?

PGS,TS Trần Huy Hoàng: Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần tác động vào các công cụ dự trữ bắt buộc, hạn mức tín dụng để giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Đối với tín dụng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước tác động các tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng cần chia sẻ với đất nước, thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đối với tín dụng cá nhân, hộ gia đình, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội giảm lãi suất cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, xây dựng và triển khai chương trình cho vay vốn tạo việc làm đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép