Hải Dương vận hành 127 trạm bơm chống úng

NDO - Do mưa lớn kéo dài, sáng ngày 12/8, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương đã phải vận hành 456 máy bơm thuộc các trạm bơm trong tỉnh để chống úng.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng kiểm tra điểm sạt lở kè sông Thái Bình tại huyện Thanh Hà.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng kiểm tra điểm sạt lở kè sông Thái Bình tại huyện Thanh Hà.

Các huyện Thanh Hà, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Thanh Miện phải vận hành hầu hết trạm bơm vì mực nước trong đồng và kênh trục ở mức cao.

Sáng ngày 12/8, toàn tỉnh Hải Dương còn hơn 3.600ha lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập úng, tập trung ở các huyện Gia Lộc, Thanh Hà, Ninh Giang và thị xã Kinh Môn.

Cũng trong buổi sáng 12/8, mưa lớn tiếp tục đổ xuống nhiều địa phương ở Hải Dương gây ngập úng nhiều diện tích lúa và diện tích nuôi trồng thủy sản, đồng thời gây nguy hiểm cho một số điểm đê kè đang bị sạt lở.

Tính đến 12 giờ trưa nay 12/8, Hải Dương còn gần 4150ha bị ngập. Nhiều nhất là huyện Thanh Hà với 1106ha, huyện Gia Lộc hơn 784ha, huyện Thanh Miện 487ha, thị xã Kinh Môn 381ha.

Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương đã phải vận hành thêm 154 máy bơm ở các trạm, nâng tổng số máy bơm hoạt động chống úng lên 610 chiếc (thuộc 127 trạm bơm).

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, từ đêm 11/8 đến trưa ngày 12/8, khu vực Hải Dương có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 100mm đến 190mm. Các địa phương có lượng mưa lớn tính đến trưa ngày 12/8 là thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn, các huyện Thanh Hà, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang.

Chiều ngày 12/8, đồng chí Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và đoàn công tác phòng, chống thiên tai tỉnh Hải Dương đã đi kiểm tra công tác phòng chống úng và xử lý sự cố sạt lở đê kè tại hai huyện Thanh Hà và Tứ Kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương phải đặc biệt quan tâm, sâu sát không được chủ quan, lơ là trong việc phòng chống và xử lý hậu quả mưa lốc do bão số 2 gây ra, đặc biệt là phải bám sát thực địa, nắm chắc tình hình diễn biến tại các điểm sạt lở để có phương án và biện pháp xử lý kịp thời. Kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động bến bãi và xâm hại công trình phòng chống lụt bão trong mùa mưa lũ.