Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng, Ninh Thuận và Khánh Hòa nằm ở vị trí trung tâm vùng Nam Trung Bộ, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Nam Trung Bộ và cả nước, trong đó có du lịch. Hai địa phương cách nhau chỉ khoảng 120km đường bộ; có những sản phẩm du lịch độc đáo, vừa mang tính đặc thù lại vừa có những điểm tương đồng, rất thuận lợi trong liên kết, phối hợp phát triển du lịch. Không chỉ vậy, Ninh Thuận và Khánh Hòa thuộc cụm tứ giác phát triển du lịch quốc gia Đà Lạt-Nha Trang-Phan Rang-Phan Thiết.
"Cả hai tỉnh đều có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú; có những sản phẩm du lịch độc đáo, có thể bổ trợ cho nhau. Chẳng hạn như các doanh nghiệp lữ hành có thể khai thác những tour du lịch có tính chuyên đề như di sản văn hóa Chăm ở Ninh Thuận và Khánh Hòa. Vì vậy, khi liên kết sẽ tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch có sự khác biệt, hấp dẫn, tạo sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế", ông Lê Hữu Hoàng khẳng định.
Trong những năm qua, ngành du lịch của hai địa phương đã đóng góp đáng kể vào doanh thu du lịch của cả nước, từng bước trở thành điểm đến chung hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước khu vực Nam Trung Bộ.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh, các doanh nghiệp lữ hành của các địa phương đã có một số tour trọn gói, với giá ưu đãi, đưa khách nghỉ dưỡng theo các tuyến Nha Trang-Ninh Thuận; Nha Trang-Đà Lạt và Nha Trang-Đà Lạt-Ninh Thuận. Hiện nay, các doanh nghiệp Khánh Hòa đã tổ chức tour 4 ngày 3 đêm; 5 ngày 4 đêm khám phá du lịch Khánh Hòa và Ninh Thuận; trong đó, các điểm đến ở Khánh Hòa là Khu du lịch VinWonders Nha Trang, tắm bùn I-Resort Nha Trang, các điểm tham quan trong thành phố Nha Trang đã có sự kết nối với các điểm đến ở Ninh Thuận như Đồng Cừu, Vĩnh Hy, Hang Rái, đồi cát Nam Cương, Tháp Pô K’long Garai…
Theo các doanh nghiệp tổ chức du lịch, tour tuyến du lịch kết hợp Khánh Hòa-Ninh Thuận có cự ly ngắn, di chuyển thuận lợi, nội dung có nhiều nét độc đáo, tương đồng. Chẳng hạn như hiện nay có tour đón khách ở sân bay Cam Ranh, đưa về thăm Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, đầm Nha Phu rồi đi Ninh Thuận tham quan Tháp Pô K’long Garai, vườn nho Ba Mọi, làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp, đồi cát Nam Cương, Tháp Chàm, vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái rồi trở về sân bay Cam Ranh. Nhiều du khách tỏ ra rất thích thú khi trong cùng một tour lại được chiêm ngưỡng hai di tích văn hóa độc đáo của người Chăm là Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang và Tháp Chàm ở Phan Rang.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch giữa các tỉnh chưa có sự liên kết chiều sâu; còn ít sản phẩm mang tính đặc trưng; chất lượng dịch vụ nhiều nơi chưa cao.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nói trên, mới đây, ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa thống nhất ký kết hợp tác phát triển du lịch Ninh Thuận-Khánh Hòa giai đoạn 2023-2025, hướng tới mục tiêu tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch hai địa phương lên tầm cao mới, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, hai tỉnh Ninh Thuận-Khánh Hòa đẩy mạnh thực hiện năm nội dung chính, tập trung các lĩnh vực: quản lý nhà nước; phát triển sản phẩm du lịch; tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch; kêu gọi đầu tư và bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho biết, tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận nhiệm vụ phối hợp Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa tham mưu, triển khai các nội dung chương trình hợp tác, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng Ninh Thuận-Khánh Hòa thành điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách, thu hút du khách trong và ngoài nước trong giai đoạn tới; đồng thời, đề nghị Hiệp hội Du lịch hai địa phương tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác, xây dựng các chương trình du lịch theo chủ đề "Hai địa phương-Một điểm đến" để thu hút du khách.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh, hai địa phương sẽ phối hợp tổ chức kêu gọi đầu tư, nâng cấp, đưa vào khai thác sản phẩm du lịch cao cấp mới của từng địa phương, từ đó phát triển các sản phẩm du lịch liên kết giữa Ninh Thuận và Khánh Hòa phù hợp với từng thị trường khách quốc tế và khách du lịch nội địa. Trước mắt, ngành du lịch tổ chức khảo sát xây dựng các chương trình tour kết nối giữa hai địa phương Ninh Thuận và Khánh Hòa; phối hợp xây dựng các chính sách, chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu thị trường du lịch nội địa (người dân tỉnh Khánh Hòa đến Ninh Thuận tham quan và ngược lại).
Cả hai địa phương đều xác định không chỉ liên kết trong các hoạt động tour tuyến mà còn liên kết xúc tiến quảng bá du lịch; phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả ở nước ngoài.
Nhằm tăng cường lượng khách đến, Ninh Thuận và Khánh Hòa đang đề nghị các hãng hàng không nghiên cứu tăng tần suất chuyến bay; mở thêm các đường bay mới từ các địa bàn du lịch trọng điểm, phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp đến sân bay quốc tế Cam Ranh, tạo cơ hội phát triển du lịch Ninh Thuận và Khánh Hòa.
"Chúng tôi sẽ chỉ đạo ngành du lịch Khánh Hòa chủ động phối hợp với ngành du lịch Ninh Thuận nghiên cứu, xây dựng, khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch liên kết giữa hai tỉnh phù hợp với thị trường khách quốc tế và khách nội địa; từ đó có kết nối, hỗ trợ chia sẻ lượt khách du lịch cho nhau. Không chỉ có vậy, dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế là các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng tập trung nhiều di tích, thắng cảnh của đất nước, rất hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, Khánh Hòa sẽ chủ động nghiên cứu, xây dựng kết nối tam giác du lịch Nha Trang-Ninh Thuận-Lâm Đồng, nhằm phát huy hiệu quả liên kết vùng theo định hướng của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các tỉnh", ông Lê Hữu Hoàng chia sẻ.