Là một trong những hợp phần quan trọng của hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, dự án nâng cấp, sửa chữa kênh chính Linh Cảm được kỳ vọng sẽ tiếp thêm năng lượng cho hàng chục nghìn héc-ta đất canh tác ở tám huyện, thị xã phía bắc Hà Tĩnh.
Ngay sau khi dự án được triển khai các địa phương thuộc khu vực ảnh hưởng dự án đã thành lập Hội đồng bồi thường, GPMB, đồng thời triển khai công tác tuyên truyền, kiểm đếm, áp giá, chi trả tiền đền bù. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Can Lộc, Trần Đình Việt cho biết, kênh chính Linh Cảm có tổng chiều dài 34 km đi qua ba huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, trong đó đoạn qua huyện Can Lộc dài 12,3 km (từ K12+700 đến K25+00), ảnh hưởng đến 578 hộ dân ở các xã Trung Lộc, Đồng Lộc, Sơn Lộc…
Mặc dù đã được quan tâm, tập trung thực hiện nhưng vì nhiều nguyên do khác nhau, thời gian đầu thực hiện công tác GPMB gặp rất nhiều khó khăn, không đạt được kết quả như mong muốn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Ông Trần Đình Việt cho biết: “Kênh Linh Cảm được đưa vào sử dụng từ năm 1964 đến nay, quá trình khai thác, các đơn vị liên quan không cắm mốc hành lang bảo vệ dẫn đến việc lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, gây ra khó khăn trong việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, do quá trình triển khai, một số hạng mục của dự án phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế làm phát sinh khối lượng và kéo dài thời gian GPMB”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, Đặng Trần Phong, nhận thấy những khó khăn phát sinh trong quá trình bàn giao mặt bằng thực hiện dự án, UBND huyện đã chủ động rà soát, tháo gỡ vướng mắc, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc chính sách hỗ trợ, bồi thường GPMB; trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân liên quan, thực hiện phương châm đặt người dân vào vị trí trung tâm để giải quyết thấu tình, đạt lý những vấn đề liên quan đến cuộc sống, lợi ích của nhân dân. Cùng với đó, địa phương thực hiện đúng quy trình, thủ tục pháp lý, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình dây dưa, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Với cách làm trên, những “điểm nghẽn” trong GPMB ở Can Lộc dẫn được tháo gỡ. Đến nay, huyện Can Lộc đã cơ bản bàn giao xong mặt bằng để các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục nằm trên địa bàn.
Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, Trần Việt Hà, đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, song song với việc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật trong nước, các dự án này còn phải hoàn thiện thêm các hồ sơ thủ tục đầu tư, rút vốn, giải ngân… theo các cam kết với nhà tài trợ. Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần chủ động đăng ký kế hoạch, hạn mức giải ngân vốn với nhà tài trợ, Bộ Tài chính. Từ đó xây dựng đường găng tiến độ cho từng giai đoạn gắn với kế hoạch, biện pháp thi công, giám sát nhằm gói gọn các giai đoạn nghiệm thu khối lượng, bảo đảm chất lượng công trình.
Tại huyện Thạch Hà, ngoài việc giao trách nhiệm cho Trưởng các BQL dự án phân công cán bộ theo dõi, giám sát toàn diện công trình từ khâu chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn kết thúc dự án, lãnh đạo UBND huyện luôn cập nhật tiến độ công trình thông qua các báo cáo định kỳ, đồng thời coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, sẵn sàng thực hiện những cuộc giao ban tại hiện trường để xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Theo chia sẻ của phần lớn người trong cuộc, những biện pháp, cách làm trên dù không mới, nhưng mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, khi người đứng đầu thạo việc, biết khích lệ, tạo áp lực cho cho cấp dưới thì cả guồng quay sẽ tịnh tiến như kế hoạch đề ra. Liên quan đến kế hoạch phân bổ nguồn vốn, theo Trưởng Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình Giao thông Hà Tĩnh, Trần Văn Tùng, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, hầu hết các dự án chỉ sử dụng ít vốn, nếu bố trí nguồn vốn lớn vào giai đoạn này sẽ không giải ngân được vì chưa có khối lượng thanh toán, thành ra nguồn vốn bị ứ đọng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án.
Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 25-8-2020 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh đạt hơn 55%, trong đó nguồn vốn ngân sách xã đạt 100%, ngân sách huyện đạt 53%, một số dự án lớn có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng các xã vùng ngập lụt Hà Tĩnh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng, dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam; Một số địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao như: Hương Sơn, Thạch Hà, huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông…
Theo đánh giá của các bộ, ngành trung ương, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, tỉnh Hà Tĩnh đã có những biện pháp quyết liệt trong đẩy mạnh giải ngân vốn. Dự kiến đến 31-8-2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh sẽ đạt 63,4%.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trần Tiến Hưng cho biết, triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tổ chức làm việc, quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công tới các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan. Đặc biệt sau khi UBND tỉnh thành lập ba đoàn kiểm tra tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại các đơn vị, địa phương do ba Phó Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu, nhiều vướng mắc, khó khăn đã kịp thời được tháo gỡ.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở KH và ĐT, Sở Tài chính rà soát, điều chuyển vốn đối với các dự án giải ngân chậm, dự án dự kiến không hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm 2020 để điều chuyển cho các dự án có tiến độ triển khai và giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Tại đợt điều chuyển lần thứ nhất được thực hiện vào thời điểm giữa tháng 8-2020, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chuyển hơn 90 tỷ đồng tại các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt nhưng còn thiếu vốn.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận quá trình giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh đang gặp không ít khó khăn trong cân đối nguồn lực, quy trình thủ tục đầu tư, năng lực điều hành, quản lý của chủ đầu tư… Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ triển khai các dự án.
Theo phản ánh của đại diện lãnh đạo các BQL dự án cấp tỉnh, một số địa phương vẫn thiếu mặn mà trong việc thực hiện công tác GPMB những dự án không phải do mình làm chủ đầu tư. Cá biệt có những dự án, các chủ đầu tư đã cắm mốc bàn giao GPMB nhưng các địa phương vẫn “án binh bất động” từ năm này qua năm khác. Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách quản lý đầu tư, xây dựng mới được ban hành, chưa có hướng dẫn cụ thể khiến các địa phương, đơn vị lúng túng trong triển khai…