Từ sáng sớm, gia đình bà Dương Thị Mai ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc đã huy động nhân lực tất bật thu hái cam. Với hơn 4 ha trồng cam chanh, cam giòn các loại, dự tính năm nay, sản lượng cả vườn cam khoảng 40 tấn, doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng. Đây là vụ sản xuất cam có giá cao nhất trong gần 10 năm qua. Bà Dương Thị Mai cho biết, năm nay vừa được mùa, vừa được giá; giá bán hiện tại cam chanh là 35.000 đồng, còn cam giòn 60.000 đồng/kg, thương lái đến tận nhà mua.
“Trồng cam là nghề đòi hỏi sự chăm chút, cẩn thận. Cam là loại cây có múi cho nên bộ rễ háo khí. Cây rất cần nước nhưng cũng rất sợ nước, do đó, quy trình chăm sóc phải chặt chẽ, tưới vừa đủ, tránh tình trạng cây bị úng nước, chết rễ. Ngoài ra, cây cam cần ánh sáng mặt trời để quả chín đạt độ ngọt”, bà Mai cho biết thêm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thượng Lộc Nguyễn Xuân Diệu cho biết, nhằm khai thác tối đa giá trị cây cam trên các vùng đất đồi, những năm qua, địa phương đã ban hành các chính sách để hỗ trợ người dân trồng, nhất là áp dụng phương pháp sản xuất mới, chuyển đổi giống cam chanh sang cam giòn nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng, hướng đến việc chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cam các loại để trồng cây cam giòn.
Năm nay, sản lượng cam toàn xã đạt hơn 1.800 tấn, cho giá trị kinh tế hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, giống cam giòn đặc trưng của vùng này có giá trị kinh tế cao gấp đôi so với các loại cam khác. Cây cam vì thế trở thành cây trồng giúp người dân địa phương thoát nghèo, mang lại thu nhập khá.
Theo các hộ trồng cam tại xã Hương Đô (huyện Hương Khê), thủ phủ cam Khe Mây nức tiếng Hà Tĩnh, năm nay sản lượng cam thấp hơn so với các năm trước nhưng giá bán cam Khe Mây đang cao, người trồng rất phấn khởi. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hương Đô Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong tổng số 315 ha trồng cây cam các loại trên địa bàn, hiện nay đã có 270 ha cho thu hoạch.
Năm 2024 dù sản lượng không bằng năm trước nhưng bù lại giá cam Khe Mây trên thị trường rất cao, bình quân giá bán tại vườn đạt từ 35.000-80.000 đồng/kg tùy chất lượng và hình thức canh tác. Được biết, những năm gần đây, trên địa bàn Hương Khê đã hình thành nhiều mô hình sản xuất cam VietGAP, hữu cơ liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để bảo đảm ổn định đầu ra, giá cả. Cam Khe Mây trước khi xuất bán ra thị trường đều được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay, sản phẩm cam Khe Mây được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, bước đầu đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với một số doanh nghiệp, có mặt trên các kệ hàng của các cửa hàng nông sản sạch và đại lý hoa quả. Ngoài ra, người dân còn đẩy mạnh bán hàng online đi các tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình và tại các thị trường lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Cây Cam là một trong 15 cây trồng chủ lực có mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Sản phẩm cam Hà Tĩnh có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, quy trình sản xuất được đầu tư thâm canh, bảo đảm kỹ thuật và được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, tổng diện tích trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 7.339 ha, trong đó diện tích cho quả đạt hơn 6.104 ha với năng suất khoảng 114 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 69.585 tấn/năm. Đến nay, đã có 115 cơ sở sản xuất cam được cấp chứng nhận VietGAP cho diện tích hơn 680 ha và diện tích cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ gần 80 ha.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa, những năm qua, song song với việc thiết kế bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng và đào tạo về công tác nghiệp vụ, bán hàng, Sở Công thương đã phối hợp các đơn vị, địa phương hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm cam lên sàn thương mại điện tử bán và quảng bá livestream trên các sàn thương mại điện tử để nâng cao giá trị cây trồng và giảm giá thành phân phối.
Đặc biệt, trong 6 năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã duy trì việc tổ chức lễ hội cam hằng năm, từ đó tạo được sự lan tỏa, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và đông đảo bà con nhân dân, người tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh.