Với mục tiêu tạo lập môi trường pháp lý, xã hội thuận lợi để hình thành và phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển.
Theo đó, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn quy chuẩn được quan tâm đầu tư với nguồn kinh phí cân đối, bố trí từ ngân sách tỉnh, nguồn vốn của cơ sở sản xuất, kinh doanh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đổi mới công tác tham mưu cơ chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thu hút, huy động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, phát huy sáng kiến, tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ ứng dụng và khai thác thông tin các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích được chú trọng thực hiện, góp phần thúc đẩy hoạt động phát triển thị trường khoa học, công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, như: chuyển giao khai thác, thương mại hóa giải pháp hữu ích sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời; sản xuất mương bê tông parabol thành mỏng; sản xuất gạch không nung và công nghệ sản xuất ống bê tông với robot hàn khung thép tự động; sản xuất gạch lõi xốp G-VRO,… Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành 17 tổ chức trung gian của thị trường khoa học, công nghệ. Nhiều công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được du nhập, ứng dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sáng kiến được quan tâm, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo sự lan tỏa đến đông đảo người dân, doanh nghiệp. Hai năm 2022, 2023 đã triển khai Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh, với 76 hồ sơ dự án đăng ký tham dự. Các dự án dự thi tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất, chế biến nông nghiệp; nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; chăm sóc sức khỏe, dược liệu; ẩm thực; công nghệ; các hình thức dịch vụ kinh doanh mới; du lịch.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường phát triển sản phẩm khoa học, công nghệ chủ lực, thế mạnh của địa phương gặp nhiều khó khăn; một số sản phẩm công nghệ sinh học được nghiên cứu, tạo ra và đã chứng minh hiệu quả nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu; liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị chưa nhiều, quy mô nhỏ, một số mô hình chưa thực sự hiệu quả. Thị trường còn thiếu các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ để tư vấn, giám định và đánh giá công nghệ, đàm phán và xây dựng hợp đồng chuyển giao công nghệ, môi giới mua bán công nghệ.
Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tập trung nguồn lực thúc đẩy hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Quan tâm tạo môi trường hỗ trợ, hình thành và phát triển các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành các tổ chức trung gian, các nhóm khởi nghiệp sáng tạo; củng cố, phát huy hiệu quả Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị. Bên cạnh đó, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nhất là kết nối cung - cầu công nghệ để giúp các doanh nghiệp tìm kiếm, đổi mới công nghệ phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ươm tạo, thành lập và phát triển bền vững doanh nghiệp khoa học và công nghệ.