Hà Tĩnh mong muốn sớm chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê

NDO - Chiều 3/7, phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) về hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn TKV và các đơn vị thành viên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh mong muốn cấp có thẩm quyền sớm đưa ra phương án chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị cấp có thẩm quyền sớm chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị cấp có thẩm quyền sớm chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh: Những nội dung tại cuộc họp là những ý kiến mà lâu nay tỉnh Hà Tĩnh hết sức trăn trở do thời điểm triển khai dự án chưa lường hết được mọi hệ lụy xảy ra. Việc có thể khai thác mỏ sắt Thạch Khê cũng là một dấu ấn nhưng Hà Tĩnh quan ngại nhiều rủi ro, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển năm 2016. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lo lắng về các yếu tố khoa học kỹ thuật, nguy cơ biển Hà Tĩnh sẽ không còn.

Tỉnh Hà Tĩnh mong muốn TKV chia sẻ cùng với địa phương, trên cơ sở những ý kiến đề xuất, nhận thấy nếu phải thành lập tổ tư vấn giám sát việc phản biện thì cần phải thành lập tổ để tháo gỡ. Hà Tĩnh rất thẳng thắn nhận thấy nếu tiếp tục khai thác thì sẽ có nhiều khó khăn, rủi ro, xảy ra.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: Khu vực mỏ sắt Thạch Khê là bờ vùng phát triển du lịch rất tốt, Hà Tĩnh mong muốn TKV có thể xem xét hợp tác với Hà Tĩnh trong phát triển du lịch, dịch vụ biển. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị xem xét trên địa bàn Hà Tĩnh có những vùng khoáng sản khác, TKV có thể hỗ trợ địa phương khai thác.

Quá trình thực hiện dự án còn nhiều bất cập. Mức độ nghiên cứu về điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình; công nghệ khai thác, công nghệ chế biến chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, chưa bảo đảm độ tin cậy, thiếu tính khả thi

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành và các huyện thị liên quan của tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo những vấn đề chung quanh dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Các ý kiến đều cho rằng Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê sử dụng công nghệ khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ tại đây, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển quặng của dự án khó khả thi, hiệu quả thấp; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn và năng lực tài chính của nhà đầu tư không bảo đảm.

Về hiệu quả xã hội, môi trường, lợi ích xã hội chưa tính toán đầy đủ, cơ hội việc làm của người dân bị mất đi khi triển khai dự án, gây bức xúc trong các tầng lớp nhân dân.

Tham dự buổi làm việc còn có các chuyên gia, nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã nghỉ hưu cùng thảo luận, đưa ra những ý kiến khách quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, các nhà khoa học, đại biểu tham dự kiến nghị TKV cần phải lập lại báo cáo khả thi một cách nghiêm túc. Song song với đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng cần phải phản biện cách nghiêm túc. Việc dừng khai thác hay không cần dựa trên cơ sở khoa học. Tỉnh Hà Tĩnh cần thành lập một tổ tư vấn giám sát việc phản biện.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã báo cáo quá trình triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê, hiện trạng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC).

Theo đó, việc tạm dừng dự án đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho TIC như: Có nguy cơ mất vốn góp của các nhà đầu tư; TIC đang bị Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản dẫn đến không có nguồn thu để trả lương cho người lao động, thanh khoản nợ nhà thầu nước ngoài; TIC có nguy cơ bị Cục thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh kê biên tài sản trụ sở văn phòng để trả nợ cho nhà thầu nước ngoài.

Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022, TKV đã chỉ đạo TIC xây dựng Phương án trung gian (khai thác đến mức -145m như giai đoạn 1 của dự án) để đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét cho phép TIC triển khai với một số tiêu chí như: Quặng nguyên khai: 41,8 triệu tấn; đất đá bóc: 121,3 triệu m3; tổng mức đầu tư trước thuế là hơn 5 nghìn tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là hơn 4 năm, thời gian thực hiện phương án là 10 năm.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam Ngô Hoàng Ngân đề nghị tỉnh Hà Tĩnh thống nhất TKV báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho phép TIC triển khai phương án trung gian nhằm khẳng định tính thực tiễn về hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Ông Ngô Hoàng Ngân mong muốn tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ TKV sớm giải quyết việc cưỡng chế thuế, phong tỏa tài khoản ngân hàng của TIC và chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh trong quý 3/2023, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng, phát sinh liên quan công tác bồi thường và hỗ trợ tái định cư trước đây.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (dự án) do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, nằm trên địa phận huyện Thạch Hà có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 14.517,2 tỷ đồng. Tổng diện tích sử dụng đất: 4.821ha, gồm 3.898ha trong đất liền và 923ha lấn biển. Diện tích đất TIC đã ký hợp đồng thuê đất là 552ha. Tổng số hộ ảnh hưởng khoảng 37.027 hộ, 134.925 nhân khẩu. Từ năm 2008 đến năm 2011, chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, đến độ sâu -34m, thu hồi 3 nghìn tấn quặng. Dự án đã dừng hoạt động khai thác từ năm 2011 đến nay.