Hà Tĩnh mở rộng dân chủ trong xây dựng phương án sáp nhập xã, phường

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh soát xét, xây dựng, từ 209 đơn vị hành chính cấp xã, phường hiện tại, sẽ chỉ còn 69 đơn vị hành chính mới (giảm 67%).
0:00 / 0:00
0:00
Quá trình lấy ý kiến nhân dân về phương án sáp nhập xã, phường ở Hà Tĩnh diễn ra thuận lợi, tỷ lệ đồng thuận đạt mức cao.
Quá trình lấy ý kiến nhân dân về phương án sáp nhập xã, phường ở Hà Tĩnh diễn ra thuận lợi, tỷ lệ đồng thuận đạt mức cao.

Những ngày qua, gắn với việc lựa chọn, xây dựng phương án sáp nhập xã, phường một cách khoa học, tỉnh mở rộng dân chủ, tiếp thu ý kiến của nhân dân để xác định tên gọi, địa điểm đặt trụ sở làm việc mới nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Theo phương án được xây dựng ban đầu, căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, xã Cương Gián và Xuân Liên (Nghi Xuân) sẽ được sáp nhập lại với nhau để hình thành xã mới. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các yếu tố tự nhiên, truyền thống văn hóa, tính kết nối liên vùng, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh phương án, sáp nhập cả ba xã: Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm thành đơn vị hành chính mới mang tên Cổ Đạm, trụ sở đặt tại xã Xuân Liên trước đây. Khi phương án được thông qua, hầu hết người dân địa phương bày tỏ đồng tình, thống nhất cao. Ông Phan Sơn, thôn Lâm Phú Thịnh, xã Xuân Liên (Nghi Xuân) chia sẻ: “Người dân ba xã có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau trong đời sống, sản xuất. Ba xã này trước đây đều nằm trong tổng Cổ Đạm, có nhiều tương đồng trong đời sống văn hóa, sinh hoạt hằng ngày. Việc đặt vị trí đơn vị hành chính mới ở khu vực trung tâm xã Xuân Liên sẽ tạo nhiều thuận lợi, cân bằng tính kết nối liên hoàn cho người dân địa phương sau sáp nhập”.

Tương tự, phương án thành lập phường Vũng Áng, trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị: Phường Kỳ Long, phường Kỳ Thịnh và xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) cũng được cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn đồng thuận cao. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hảo, Ủy viên Ban thường vụ Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Kỳ Anh, sở dĩ tên gọi này được lựa chọn bởi cả ba phường, xã này đều nằm gọn trong Khu kinh tế Vũng Áng. Vũng Áng cũng là cái tên đã được định vị rộng rãi trên bản đồ trong nước và quốc tế. Từ khi ra đời đến nay, Khu kinh tế Vũng Áng đã trở thành động lực phát triển của tỉnh, góp phần làm thay đổi mạnh mẽ đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vì vậy, bà con mong muốn, sau khi mang tên gọi mới - phường Vũng Áng, đời sống của nhân dân sẽ không ngừng đi lên.

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, thực hiện quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Trung ương về việc đặt tên gọi cho các xã sau sáp nhập, tên của đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn đã được nghiên cứu, xác định bảo đảm yếu tố dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, cũng như tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, vì vậy được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ cao. Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, tỉnh sắp xếp từ 209 đơn vị hành chính cấp xã giảm còn 69 đơn vị. Trong số 69 xã, phường mới hình thành sau sáp nhập, có hai xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 (Hương Sơn) được giữ nguyên hiện trạng và tên gọi, còn lại các xã, phường khác hoặc mang một tên gọi mới, hoặc lựa chọn một tên gọi cũ làm tên chung. Tên gọi được đặt trên cơ sở nghiên cứu kỹ các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa, phát huy lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp xu thế hội nhập.

Đề án được thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, qua mạng xã hội và niêm yết tại các trụ sở, khu dân cư để trưng cầu rộng rãi ý kiến nhân dân. Các địa phương tổ chức phát phiếu trực tiếp đến tận hộ dân hoặc họp các hộ dân theo thôn để lấy ý kiến. Sau hơn hai ngày lấy ý kiến nhân dân (22-24/4), toàn tỉnh có 371.560/ 375.749 cử tri đại diện cho các hộ gia đình đồng ý với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 98,88%.

Bên cạnh tinh thần đồng thuận cao với các phương án sắp xếp, ở một số địa bàn, cử tri bày tỏ những băn khoăn, kiến nghị về phương án sắp xếp xã, địa điểm đặt trụ sở hành chính, tên gọi… Các ý kiến của nhân dân đều được cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, xem xét và tham mưu phương án tối ưu nhất. Thí dụ như, thực hiện điều chỉnh phương án sáp nhập xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) về phường Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh) sang phương án mới, sáp nhập xã Xuân Lĩnh với các đơn vị: thị trấn Xuân An, xã Xuân Giang, xã Xuân Viên, xã Xuân Hồng, thành xã mới Nghi Xuân; điều chỉnh vị trí đặt trụ sở hành chính mới của phường Hà Huy Tập (thành phố Hà Tĩnh), xã Sơn Tây (Hương Sơn)...

Theo Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và tổ chức biên chế (Sở Nội vụ) Nguyễn Thanh Hùng, đối với số ít ý kiến người dân băn khoăn về trụ sở, tên gọi xã mới, các địa phương và cơ quan chức năng cũng đã kịp thời giải thích, tuyên truyền để bà con hiểu, đồng thuận.