Hà Tĩnh kiến nghị nhiều vấn đề trong phát triển giáo dục và đào tạo

NDO -

NDĐT- Chiều 24-5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo hiện nay, định hướng cho những năm tới.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trao bằng cho sinh viên Trường ĐH Hà Tĩnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trao bằng cho sinh viên Trường ĐH Hà Tĩnh.

Theo đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh đã quy hoạch mạng lưới gồm 771 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 571 trường chuẩn quốc gia; bốn trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp... Đội ngũ cán bộ, giáo viên gồm 22.183 người trong đó nhiều bậc học có tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn cao gồm: tiểu học 91,4%; THCS 81,4%... Đáng chú ý, từ năm học 2013-2014, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bổ nhiệm cán bộ quản lý các trường THPT qua hình thức thi tuyển và kết hợp với các quy trình quy định được 83 cán bộ quản lý... Trong công tác phân luồng, tỉnh thực hiện mô hình kết hợp đào tạo nghề, dạy bổ túc THPT tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề-hướng nghiệp-giáo dục thường xuyên...

Để nâng cao chất lượng GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu đổi mới, tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới; cho phép Hà Tĩnh thí điểm trường học kết nối thông minh gắn với công nghệ thông tin, dạy trung cấp nghề cho học sinh THPT, dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông theo trình độ thực tế của người học (không dạy theo mô hình lớp học truyền thống)... Đáng chú ý, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, Trần Trung Dũng cho rằng các quy định của ngành GD-ĐT cần có cơ chế cho địa phương “xé rào” để phù hợp thực tiễn của mỗi địa phương. “Xé rào” để thoát ra và bổ sung những cái mới. “Như Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học bắt giáo viên phải ghi nhận xét nhưng ghi để ai đọc. Hiệu trưởng nhà trường chắc chắn không đọc, phụ huynh không đọc, học sinh có khi lớp một thì chưa biết đọc thành thạo nên chỉ là ghi để giáo viên theo dõi thì chưa hợp lý”- Ông Dũng chia sẻ.

Hiệu trưởng CĐ nghề Việt Đức, Đậu Minh Ất kiến nghị cần hạn chế mở các trường ĐH quá nhiều. “Học ĐH bây giờ dễ quá, trước đây cả xã có một vài người đi học ĐH nhưng giờ đây cả xã 90% đi học ĐH thì tràn lan quá. Trong khi các trường phải lo đào tạo thật tốt nhưng doanh nghiệp tiếp nhận nhân lực thì không có cơ chế trong việc trách nhiệm phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo ra sao”. Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Du, Hồ Việt Anh kiến nghị cần có cơ chế cho những cơ sở đào tạo đặc thù. “Do đặc thù ngành nghệ thuật có những ngành 1 thầy, 1 trò (thanh nhạc, piano...) nhưng quy định tài chính tính trên đầu học sinh, sinh viên thì làm sao bảo đảm cơ chế, chính sách...” – ông Hồ Việt Anh chia sẻ. Đáng chú ý, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, mỗi khi Bộ GD-ĐT bàn việc gì đổi mới mà tăng thêm nhiệm vụ cho các nhà trường thì cần bàn đến cơ chế tài chính và nhân lực, tránh gây khó cho các nhà trường.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, GD-ĐT đã có quy hoạch, chiến lược nhưng nhìn vào nhân lực thì cả về số lượng và chất lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy đổi mới phải mạnh dạn, thậm chí có thể “trả giá”. Đổi mới là va chạm, trước hết là va chạm quyền lợi đội ngũ giáo viên nhưng vẫn phải thực hiện. Tuy nhiên, đổi mới xuất phát từ thực tiễn chứ không phải đổi mới xuất phát từ quy định, quy chế. Đổi mới từ việc nâng cao năng lực quản lý điều hành từ cấp tỉnh. Hà Tĩnh cần xác định rõ xứ mạng Trường ĐH Hà Tĩnh trước tiên là đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Bởi nếu không xác định đúng có thể Trường ĐH Hà Tĩnh trở thành trung tâm đào tạo từ xa của các trường ĐH khác thì không nên. Trường ĐH Hà Tĩnh cần tăng cường các ngành mà tỉnh đang cần về nhân lực, không nên dạy quá nhiều thạc sĩ mà đi vào nhu cầu nhân lực thực tế. Thí dụ nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng về môi trường, công nghệ phụ trợ...

Việc đổi mới phải có từng bước, lộ trình để địa phương có bước đi thích hợp, phấn đấu thực hiện. “Thí dụ Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học là chủ trương tốt nhưng điều kiện chuẩn bị thực hiện chưa chu đáo dẫn đến triển khai chưa hiệu quả, gây phản ứng cần nhìn nhận lại cách thức chuẩn bị triển khai, áp dụng chủ trương mới” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận. Tinh thần các cơ sở giáo dục sẽ tự chủ và tạo sức cạnh tranh trong đội ngũ, trong các trường nhằm có sự phấn đấu nâng cao chất lượng. Mặt khác, trong đổi mới sẽ đẩy mạnh đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Việc dạy thêm, học thêm về nguyên tắc là không được dạy thêm, học thêm nội dung kiến thức học tập chính khóa. Chỉ có thể dạy thêm, học thêm là trong trường hợp học sinh yếu kém cần bổ sung kiến thức. “Học chính khóa có 10 nội dung nhưng chỉ dạy sáu còn để bốn dành cho dạy thêm học thêm là không được”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định. Xu hướng tiến tới phải bảo đảm chương trình chính khóa tốt để không có dạy thêm, học thêm. Riêng các mô hình đổi mới của GD-ĐTvề trường học thông minh, dạy song ngữ, áp dụng chương trình nước ngoài đều nằm trong lộ trình đổi mới cho nên ngành hoàn toàn ủng hộ...

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dự tổng kết, trao bằng tốt nghiệp, giao lưu chia sẻ, trả lời những câu hỏi của giảng viên, sinh viên Trường ĐH Hà Tĩnh chung quanh vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ, cơ chế cho giảng viên nghiên cứu khoa học, giải quyết việc làm cho sinh viên...