Tại cửa rừng ở chân dãy Hồng Lĩnh thuộc xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc từ nhiều ngày nay, khi nguy cơ cháy rừng được cảnh báo ở cấp độ 3, chốt kiểm soát liên ngành đã được thành lập. Tại đây, mọi hoạt động vào, ra cửa rừng của người và phương tiện đều được quản lý chặt chẽ. Ông Tạ Trọng Lưu, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc cho biết, vào mùa nắng nóng (từ tháng 4 đến hết tháng 9), đơn vị phân công trực từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều là kết thúc ngày làm việc. Những ai đi vào rừng đều được ghi chép lại, cập nhật thông tin, biển số xe, mục đích vào rừng, giờ vào, giờ ra.
Phó trưởng ban quản lý rừng Hồng Lĩnh Nguyễn Hải Vân cho biết: Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh nằm trên địa bàn 19 phường, xã, thị trấn thuộc bốn huyện, thị xã với diện tích 9.684,5 ha, loài cây chủ yếu là thông nhựa và keo cấp tuổi III đến VI, thảm thực bì gồm các loài như sim, mua, lấu, ngấy hương, tiến vọt,... Dưới chân núi, dân cư sinh sống chung quanh. Ðịa hình khu vực núi Hồng Lĩnh cao và dốc, đất đai trơ cằn sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt. Mùa nắng nóng nhiệt độ cao, gió tây phơn khô nóng nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Thực bì rậm rạp, nhiều loài cây bụi, lau lách vào mùa nắng nóng khô héo tạo nên một lớp vật liệu dễ cháy lớn. Trên lâm phần quản lý phần lớn là diện tích rừng thông, thông keo là những loài cây dễ bắt lửa.
Chung quanh rừng, dân cư sinh sống cho nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy lan từ việc đốt xử lý thực bì, đốt rác của người dân. Trên lâm phần có hơn 20 đền chùa, miếu mạo được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; hằng ngày có hàng nghìn người đến tham quan, vãn cảnh, thắp hương cho nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, nhất là vào mùa nắng nóng. “Trước tình hình đó, đơn vị thường xuyên tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong cộng đồng dân cư, nhất là trong các hộ nhận khoán.
Ðồng thời thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, phát huy hiệu quả của các công trình phòng chống cháy rừng (đường băng, chòi canh, hệ thống thông tin liên lạc, đường tuần tra…), xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm đốt rừng để giáo dục răn đe…”, ông Vân cho biết thêm.
Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, địa phương hiện có 359.366 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố (chiếm trên 60% diện tích tự nhiên). Diện tích rừng trọng điểm dễ cháy, có nguy cơ xâm hại cao chủ yếu tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã: Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh…
Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê Nguyễn Thượng Hải chia sẻ, bên cạnh điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, hạn hán kéo dài, địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp, cao, dốc hiểm trở, hiện đời sống nhân dân miền núi vẫn còn khó khăn, nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp, lâm sản tăng gây áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho hoạt động lâm nghiệp còn hạn chế, nhất là đầu tư cho công tác phòng chống cháy rừng. Cơ sở hạ tầng lâm nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng còn thiếu, thô sơ…
Vì thế, bên cạnh việc chủ động xây dựng phương án phòng chống cháy rừng một cách chi tiết, cụ thể, Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê chủ động, sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng, phát huy vai trò tiên phong của 10 tổ đội xung kích phòng chống cháy rừng trong tuyên truyền cũng như tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, canh gác lửa rừng tại các khu vực.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, Hoàng Quốc Huấn cho biết thêm: Cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng chống cháy rừng, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng phương án tổ chức chỉ đạo, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng cấp tỉnh khi có cháy lớn xảy ra, với 500 người, nòng cốt là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các huyện, xã, chủ rừng thành lập 308 tổ đội bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng với sự tham gia của 6.824 người. Ðây được xem là lực lượng nòng cốt luôn chủ động sẵn sàng “4 tại chỗ”, duy trì chế độ trực ban, sẵn sàng lực lượng thường trực, phát hiện, dập tắt kịp thời đám cháy. Ðồng thời, các đơn vị chức năng thực hiện tốt việc trực gác tại 274 cụm, điểm trực, điểm lắp đặt camera phát hiện sớm cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh, thành lập các chốt kiểm soát người ra vào rừng tại các khu rừng trọng điểm dễ cháy trong thời gian cao điểm nắng nóng.