Hà Nội yêu cầu không để xảy ra tiêu cực cấp chứng nhận F0, F1, F2 cho thí sinh vào lớp 10

NDO -

Để chuẩn bị tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về nội dung này.

Các thí sinh thi vào lớp 10 phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Các thí sinh thi vào lớp 10 phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022 tại Hà Nội, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6. Toàn thành phố có hơn 93 nghìn học sinh đăng ký dự thi. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã dự kiến bố trí 184 điểm thi và điều động hơn 14 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác tổ chức, phục vụ.

Phát biểu kết luận, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhận định, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh chưa từng có do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên công tác tổ chức phải có những kịch bản đặc biệt. Trong mọi tình huống, bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn cho thí sinh và tổ chức thành công kỳ thi này. Vì vậy, cần kích hoạt trở lại 15 đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi và phòng, chống Covid-19. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy về kết quả tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2021-2022 gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phụ trách.

Lưu ý một số điểm quan trọng trong công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị tổ chức thi vào hai buổi sáng cuối tuần để vừa bảo đảm giãn cách, vừa có thời gian thực hiện các biện pháp phòng dịch như khử khuẩn, khai báo y tế... Cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức bảo vệ an ninh trật tự, an toàn tại tất cả các điểm thi; phân công, bố trí lực lượng phân làn giao thông; kiểm tra, hướng dẫn phụ huynh học sinh thực hiện phòng dịch theo nguyên tắc “5K”, tránh để phụ huynh chờ đợi, tụ tập đông người ngoài điểm thi; tuyên truyền, vận động phụ huynh về nhà ngay sau khi đưa con đến trường và đến đón con sau khi thi xong.

Học sinh phải thực hiện thật tốt các biện pháp phòng dịch Covid-19 trước, trong và sau kỳ thi; thực hiện nghiêm các quy định về khai báo y tế, khử khuẩn, báo cáo ngay khi bản thân hoặc người chung quanh có triệu chứng nhiễm dịch bệnh; từ nay đến khi thi không đi ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người khi không thật sự cần thiết, giữ gìn sức khỏe và tập trung ôn tập để có kết quả thi cao nhất...

Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản tổ chức tổng thể và kịch bản tổ chức cụ thể đối với từng điểm thi; bao quát toàn diện các vấn đề, nhất là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, cả bên trong và ngoài điểm thi; có phương án xử lý từng tình huống như phát hiện ca dương tính, ca nghi nhiễm với Covid-19, thí sinh có biểu hiện ho, sốt...

Phòng thi phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng dịch nhất là thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa các thí sinh... Phải tổ chức kiểm tra y tế, khử khuẩn, diệt khuẩn trước và sau giờ thi; bố trí phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi và các điểm thi dự phòng, có hội đồng thi dự phòng, cán bộ hội đồng thi dự phòng.

Ngoài điều chỉnh thời gian thi, các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 sẽ được xét tuyển. Thí sinh đã đăng ký dự thi được chia thành ba nhóm. Trong đó, nhóm 1 là thí sinh thuộc diện F0, F1 sẽ được tuyển thẳng, F2 sẽ được xét tuyển vào trường công lập có nguyện vọng đăng ký dự tuyển.

Về việc này, Bí thư Thành ủy đề nghị ngành y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xét nghiệm và cấp giấy xác nhận F0, F1, F2 cho thí sinh. UBND thành phố có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực trong việc này và cả kỳ thi.