Hà Nội: Xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất bãi sông Hồng

Hàng chục nghìn mét vuông đất bãi đang bị xâm hại

Theo thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn quận Tây Hồ - Hà Nội, hiện có tới hơn 100ha đất bãi, trong đó tập trung chủ yếu tại hai phường Tứ Liên và Phú Thượng. Hầu hết số diện tích nói trên đang được người dân sử dùng để trồng trọt hoa màu. Số diện tích còn lại đang bị bỏ trống, hoang hóa. Điều đáng nói là diện tích đất bãi nói trên đang nằm trong khu vực thoát lũ, không được quy hoạch xây dựng. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho tình trạng lấn chiếm đất bãi, thậm chí là lén lút sang nhượng diễn ra khá bức xúc trong thời gian vừa qua.

Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ thì tình trạng lấn chiếm đất bãi bức xúc nhất hiện diễn ra tại khu vực bãi thải thuộc phường Tứ Liên với diện tích hàng chục nghìn mét vuông. Số diện tích đất bãi này đang bị xâm hại khá nghiêm trọng.

Theo một cán bộ địa chính phường Tứ Liên: Khu đất này xưa kia là diện tích người dân trồng dâu nuôi tằm, sau đó được chuyển sang cho một số chủ lò gạch khai thác thành các khu vực thùng, đấu. Năm 1995, TP Hà Nội trưng dụng 26.000m2 đất tại đây để làm bãi đổ phế thải. Đến năm 2007, khi đã sử dụng hết công suất, khu bãi thải này chính thức được đóng cửa. Lợi dụng tình trạng đó, một số người dân khắp nơi nhảy dù đến ngang nhiên san lấp, quây tường rào trồng cây cối và làm nhà tạm.

Theo báo cáo của phường Tứ Liên thì hiện tại riêng khu vực này có tới 18 trường hợp lấn chiếm đất trái phép. Trường hợp nhiều nhất đã lấn chiếm tới hơn 20.000m2, trường hợp ít nhất là 110m2. Hầu hết các trường hợp sau khi lấn chiếm, đã sử dụng máy móc hút cát, tôn nền quây tường rào rất công phu. Không chỉ trồng cây cối trên diện tích đã lấn chiếm được mà các trường hợp này còn dựng nhà, mở xưởng để kinh doanh, sản xuất. Thậm chí, có những trường hợp còn dựng nhà sàn làm trang trại sinh thái ngay sát bờ sông rất bề thế.

Tình trạng múc cát, phù sa dưới lòng sông để tôn nền, lấn chiếm đất bãi với quy mô, diện tích và tốc độ nhanh đến chóng mặt diễn ra trong thời gian vừa qua tại khu vực này đã trở nên rất bức xúc. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Đê điều. Chỉ cần nhìn vào những khu vườn được tôn cao cả chục mét ngay sát mép sông cũng đã ước tính được khối lượng cát, phù sa đã được đổ vào đây lớn đến cỡ nào.

Theo UBND phường Tứ Liên, tại khu vực bãi thải những trường hợp vi phạm nhiều nhất là ông Ngô Văn Biên khoảng 20.000m2, ông Đào Văn Bình khoảng 3.000m2, ông Lê Thanh Bình khoảng 3.000m2... Tình trạng vi phạm này kéo dài đã nhiều năm nay và mặc dù chính quyền địa phương đã tiến hành xử lý nhiều lần, nhưng đến nay vi phạm vẫn hoàn vi phạm.

Sẽ cưỡng chế các trường hợp vi phạm chây ỳ

Trước tình trạng vi phạm đất đai tại khu vực này diễn ra trong một thời gian khá dài, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo lập hồ sơ xử lý và ra quyết định thu hồi đất đối với 18 trường hợp vi phạm tại đây. Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 2-5-2007 của UBND phường Tứ Liên thì hiện vẫn còn 11 trường hợp chưa thực hiện quyết định thu hồi đất và chưa bàn giao đất về UBND phường quản lý theo quy định.

Đối với các trường hợp này, UBND phường Tứ Liên cũng đề nghị UBND quận Tây Hồ chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với UBND phường lên phương án tổ chức cưỡng chế, kiên quyết thu hồi đất đối với các trường hợp không thực hiện quyết định thu hồi đất của UBND quận nêu trên.

Đại diện UBND phường Tứ Liên cũng cho biết: Trong thời gian tới, phường sẽ tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm nêu trên. Theo UBND phường Tứ Liên thì chậm nhất là hết năm 2007, tất cả số trường hợp vi phạm này phải được xử lý dứt điểm.

Để giải quyết việc quản lý khai thác, sử dụng đất vùng bãi sông, tháng 4-2007, UBND quận Tây Hồ cũng đã có "sáng kiến" gửi UBND TP xin duyệt chủ trương cho các doanh nghiệp lập dự án thuê đất có thời hạn và có điều kiện để đầu tư kinh doanh tại các vùng đất bãi. Theo công văn này, số diện tích hàng chục nghìn mét vuông đất bãi hiện đang bỏ hoang hoặc bị lấn chiếm đã được khá nhiều doanh nghiệp nhòm ngó với các dự án như khu thể thao vui chơi giải trí, công viên, nhà vườn sinh thái, vườn cảnh...

Tuy nhiên, ngày 10-5, UBND TP Hà Nội đã có công văn khẳng định rõ: Hiện nay, Pháp lệnh Đê điều vẫn có hiệu lực thi hành, việc quản lý, khai thác, sử dụng đất vùng bãi sông phải thực hiện theo đúng những quy định hiện hành của Nhà nước về đê điều. Luật Đê điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7, UBND TP cũng chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án lập quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội theo đúng tiến trình kế hoạch đã thỏa thuận giữa hai thành phố Seoul và Hà Nội.

UBND TP cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý đất đai ở vùng bãi sông; kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất công, những vụ việc vi phạm Pháp lệnh Đê điều.

Thiếu sự kiên quyết trong cách giải quyết, để vi phạm kéo dài nhiều năm là nguyên nhân chính khiến tình trạng lấn chiếm đất công tại đây trở nên phức tạp, có nguy cơ "đánh bùn sang ao". Chính vì vậy, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thu hồi diện tích đã lấn chiếm tại khu vực này và sử dụng nó đúng mục đích đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm và chú ý.