Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019. Việc tham gia mạng lưới này cũng đồng nghĩa với thành phố thay đổi chiến lược phát triển, trong đó, tập trung vào các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, hướng đến phát triển bền vững. Thành phố đã bước đầu có những hoạt động thúc đẩy các hoạt động văn hóa sáng tạo, tạo điều kiện cho những hoạt động sáng tạo của cộng đồng phát triển như lễ hội đường phố, lễ hội âm nhạc, thiết kế Km số 0, thiết kế các không gian sáng tạo, sự kiện thời trang... Tuy nhiên, thực trạng sáng tạo hiện nay thường là điểm sáng đơn lẻ, đang phân bố rải rác, thiếu định hướng.
Tại toạ đàm, các chuyên gia về hoạt động sáng tạo, các nhà quản lý đã thảo luận nhiều vấn đề để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, kinh tế sáng tạo trên địa bàn thành phố. Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng, với đặc điểm là thành phố có lịch sử nghìn năm, sở hữu hơn 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích quốc gia, 1.441 di tích xếp hạng cấp thành phố; đông thời, có 1.793 di sản văn hoá phi vật thể, 1350 làng nghề và làng có nghề..., Hà Nội nên tập trung vào thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trên nền văn hoá truyền thống.
Theo Trưởng Ban văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Phạm Thị Thanh Hường, nguồn lực di sản, con người là tiềm lực to lớn để Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á. Hà Nội đi đầu trong xây dựng Thành phố sáng tạo sẽ truyền cảm hứng cho các thành phố khác của Việt Nam trong việc lấy nguồn lực văn hóa để phát triển bền vững.
Các chuyên gia cũng đề xuất, thành phố cần tạo ra môi trường thông qua cơ chế chính sách phù hợp để hoạt động sáng tạo được phát triển.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia cũng trao đổi về việc làm thế nào để hình thành các cộng đồng sáng tạo, tìm ý tưởng khai thác không gian sáng tạo Hà Nội, những cơ hội, thách thức được đặt ra cũng như giải pháp thực hiện...