Hà Nội nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học

NDO -

NDĐT - Để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô sẽ tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp tiếp cận quốc tế trong xây dựng, cập nhật chương trình và triển khai đào tạo, khuyến khích các cơ sở giáo dục nhận chuyển giao chương trình tiên tiến của nước ngoài, sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy các môn khoa học ở các trường chuyên, trường chất lượng cao.

Học sinh Thủ đô (Ảnh minh hoạ: THUỶ NGUYÊN)
Học sinh Thủ đô (Ảnh minh hoạ: THUỶ NGUYÊN)

Để tạo ra được hiệu quả trong dạy và học ngoại ngữ ở bậc học phổ thông, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã có nhiều nỗ lực trong công tác dạy và học, từ việc chú trọng chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, đến việc tăng cường công tác xã hội hóa, liên kết giảng dạy, mở ra các mô hình, hoạt động hiệu quả trong nhà trường để thu hút học sinh.

Tính đến hết năm học 2018-2019, 100% số lượng giáo viên tiếng Anh của Hà Nôị đã được bồi dưỡng qua các lớp nâng cao năng lực tiếng Anh; 98% số lượng giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy; 95% số lượng giáo viên tham gia các lớp ứng dụng công nghệ trong soạn giáo án.

Đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ (tiếng Anh) luôn đặc biệt được chú trọng. Trong năm học 2018-2019, Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho hai lớp với 50 giáo viên giảng dạy Tiếng Anh của các bộ môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học; đồng thời tập huấn Tiếng Anh cho 6 lớp với 200 giáo viên của các bộ môn. Tổ chức bốn hội thảo liên kết với các tổ chức nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm đổi mới giảng dạy; triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 môn ngoại ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học.

Năm học này, Hà Nội tập trung chuẩn hoá, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy Ngoại ngữ trong trường phổ thông (tiếp tục triển khai các hoạt động liên kết đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, thi cấp chứng chỉ B2, C1…); Tăng cường đào tạo giáo viên dạy song ngữ các môn khoa học tự nhiên cấp THPT.

Song song với đó, ngành giáo dục Hà Nội chú trọng phát triển học ngoại ngữ 2 (Tiếng Nhật, Đức, Hàn) ở các trường có điều kiện. Nhiều chương trình giao lưu đã được tổ chức trong nhà trường nhằm nâng cao năng lực nghe nói cho học sinh như: Câu lạc bộ nói tiếng Anh, tranh biện, hùng biện; Đăng cai tổ chức, tham gia các cuộc thi quốc tế (HOMC, IMSO...).

Công tác xã hội hóa đối với các hoạt động dạy và học ngoại ngữ được tăng cường, ưu tiên việc mời chuyên gia trong nước và ngoài nước, các giáo viên nước ngoài thuộc chương trình liên kết tham giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Để tập trung nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD-ĐT, năm học 2019-2020, ngành giáo dục Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và mở rộng mô hình liên kết với các công ty, trung tâm Ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài để tăng cường dạy bổ trợ Ngoại ngữ trong các trường phổ thông và chương trình làm quen Tiếng Anh cho trẻ mầm non. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu; ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong dạy và học ngoại ngữ.

Quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, các cơ sở giáo dục nước ngoài cũng sẽ tiếp tục được tăng cường mở rộng, phát triển tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ. Tiến hành trao đổi giáo viên với các nước có quan hệ hợp tác với Bộ GD-ĐT và TP.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề ra một loạt nhiệm vụ như: triển khai hiệu quả chương trình song bằng tại các trường THPT, THCS; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Mở rộng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài… Tổ chức tốt kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế IMSO 2019, Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 17 (HOMC 2020) có sự tham gia của học sinh quốc tế. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp tiếp cận chung của khu vực và quốc tế trong xây dựng, cập nhật chương trình và triển khai đào tạo, trên cơ sở đó đề xuất xây dựng mô hình trường chất lượng cao tiệm cận chất lượng quốc tế. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nhận chuyển giao chương trình tiên tiến của nước ngoài, sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy các môn khoa học ở các trường chuyên, trường chất lượng cao.