Liên tục nằm trong top cao nhất về ô nhiễm không khí
Trước đó, như Báo Nhân Dân đã phản ánh, hiện tượng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã bắt đầu… được báo động từ ngày 7/10 vừa qua.
Vào thời điểm này, số liệu quan trắc của hệ thống AirVisual (sản phẩm do tổ chức IQAir sở hữu), lúc 8 giờ sáng cùng ngày, tại quận Tây Hồ, chỉ số ô nhiễm đo được dao động quanh mức 168-194, ngưỡng rất xấu. Cao nhất là điểm đo trên phố Quảng Khánh, khi chỉ số lên tới 194.
Ở điểm đo tại đường Nam Trung Yên 11 (quận Cầu Giấy), chỉ số này cũng ở mức 190. Các điểm “đỏ” khác ở nhiều quận, huyện cũng xuất hiện khắp nơi.
Thành phố Hà Nội chìm trong sương mù ô nhiễm sáng 9/10. (Ảnh: Hoài Nam) |
Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng chất lượng không khí của các thành phố lớn trên thế giới do AirVisual thực hiện vào thời điểm 8 giờ sáng ngày 11/8, Hà Nội là thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới với chỉ số trung bình 171, thuộc nhóm Có hại cho sức khỏe.
Sang tới ngày 8/10, tình trạng vẫn không được cải thiện. Nhiều người dân tại Thủ đô liên tục phản ánh về hiện tượng sương mù bao phủ chung quanh khu họ sinh sống.
Số liệu công bố trên Cổng thông tin quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) vào cùng ngày cho thấy, nhiều khu vực có chất lượng không khí ở ngưỡng xấu.
Ngày 9/10, theo xếp hạng của IQAir lúc 7 giờ sáng, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội lên tới 213, tiếp tục đứng thứ 2 trong số các thành phố lớn toàn cầu.
Mùa ô nhiễm… đến hẹn lại lên
Theo các chuyên gia về môi trường, sở dĩ trong 3 ngày qua, chỉ số không khí của Hà Nội đột ngột tăng cao là do thành phố đã bước vào… mùa ô nhiễm Thu đông hằng năm.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, vài năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở các tỉnh thành phía bắc, trong đó có Hà Nội đang diễn biến xấu.
Hà Nội bước vào mùa ô nhiễm không khí. Ảnh chụp sáng 9/10 tại Hà Nội. |
Theo vị chuyên gia này, mùa ô nhiễm không khí sẽ kéo dài từ tháng 10 tới tận tháng 3 năm sau. Ông Tùng lý giải, giai đoạn này sẽ xuất hiện nhiều yếu tố gia tăng ô nhiễm như gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa… Những yếu tố này sẽ làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp thay vì thoát lên cao hoặc tỏa rộng ra các vùng khác. Chính vì vậy, nồng độ bụi mịn trong không khí cũng sẽ gia tăng, kéo chỉ số AQI lên cao.
[Ảnh] Thành phố Hà Nội mù sương do ô nhiễm không khí ngày cuối năm
Về mức độ nguy hại, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cảnh báo: Trong môi trường, có rất nhiều loại bụi như bụi tổng, bụi PM10, bụi PM2.5, bụi PM1, bụi nano. Chúng được phân loại dựa vào kích cỡ của từng loại theo đơn vị micromet. Hiện nay, thế giới đang lo ngại với PM2.5 hay còn được gọi bằng cái tên khác là bụi mịn. Với đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, tức là các hạt này bé hơn 1/30 so với sợi tóc của chúng ta.
Bụi PM2.5 được gọi là sát thủ vô hình vì chúng có kích thước nhỏ, chứa nhiều thành phần độc hại, nên khi hít thở nó xâm nhập sâu vào phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, máu, gây nhiều bệnh như nhồi máu tim, ung thư,… Cần phải lưu ý rằng, không giống như bụi thô, PM2.5 không bị những loại khẩu trang phổ thông ngăn chặn.
Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội sáng 9/10 ở mức báo động đỏ. |
Điển hình như, trong sáng 9/10, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội đạt mức 73,3µg/m³, cao gấp 14,7 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm tới cơ thể, ông Tùng lưu ý người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí trên các app điện thoại, website. Qua đó, người dân sẽ biết được khu vực mình đang sinh sống có ô nhiễm hay không để có những kế hoạch sinh hoạt phù hợp.
Ảnh chụp sáng 9/10 tại Hà Nội. |
Trong khi đó, các chuyên gia y tế đưa ra lời khuyên: Người dân phải thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi; hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp.
Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho các con ra đường vào thời điểm tan tầm, sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn, giữ ấm mũi, họng, cổ, tránh các hoạt động ngoài trời quá lâu và không cần thiết.
Đối với người ở nhà, cần hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào vào thời điểm chất lượng không khí xấu, đặc biệt là các nhà ở gần đường giao thông hoặc điểm ô nhiễm.
Người mắc các bệnh về hô hấp cũng được các chuyên gia khuyến cáo không nên ra đường vào các thời điểm chỉ số AQI lên cao.